Chúng ta đang sống ở những nơi được gọi là: Thành phố đáng sống (TP. Đà Nẵng), Thành phố số 1 (TP. HCM), Thành phố văn minh (TP. Hà Nội)…rất dễ có thể nhìn thấy những băng rôn giăng đầy với khẩu hiệu “Thành phố Xanh - Sạch - đẹp”! Vậy mà, những nhu cầu cơ bản nhất “quyền được sử dụng thực phẩm sạch” của người tiêu dùng đã được thoả mãn chưa ?!
Ăn cũng chết…không ăn cũng chết!
Những ngày qua, việc cá biển chết trên diện rộng xuất phát từ khu vực biển Vũng Áng trở vào đến Đà Nẵng, làm cho những ngư dân các tỉnh ven biển “sống trong sợ hãi” trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm được nguyên nhân cụ thể và có sức thuyết phục. Thậm chí, ngay cả khi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo nhằm “trấn an dư luận” cũng chỉ nêu ra được những giả thuyết khá mơ hồ: “Cá chết là do thuỷ triểu đỏ”?!.
Cá biển chết trên vùng biển Tỉnh Quảng Trị. |
Sau việc cá chết lại đến chim chết, việc ngư dân phát hiện nhiều xác chim nằm bên xác cá dọc bờ biển Quảng Bình, nghi ăn cá nhiễm độc mà chết, nơi “Thiên đường” của loài chim biển quý hiếm này nằm rất gần Vũng Áng (chừng 20 hải lí về phía Đông - Nam), nơi khởi nguồn hiện tượng cá chết bất thường trong gần 1 tháng qua. Và rồi, những xác chim chết này có cùng nguyên nhân với cá biển chết tại Vũng Áng hay không, câu trả lời vẫn còn… ở nơi xa lắm!
Cũng từ những bất cập “một mâm cơm, ba bộ quản lý” nên tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay phải thừa nhận rằng “rất tệ”!. Quy trình trồng một cây rau đến người tiêu dùng có 3 bộ quản lý. Trong đó: “Bộ NN&PTNT quản lý từ sản xuất, kỹ thuật; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đưa rau ra thị trường; Bộ Y tế chịu trách nhiệm chế biến..” và đến khi người tiêu dùng xảy ra sự cố, thì trách nhiệm lại thuộc về chính họ…bởi họ không biết chọn thực phẩm sạch, bởi họ không là người tiêu dùng thông thái!
Vừa rồi, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã nêu nguyên nhân của nạn thực phẩm bẩn: “Chính vì hiện nay chúng ta không xác định được trách nhiệm của ai để kỷ luật nên “cả làng đều vui”, ăn bẩn vẫn vui vì có chết ngay đâu. Nếu trách nhiệm chưa rõ ràng thì tình trạng này chưa giải quyết được”.
Thịt heo thối được vận chuyển để làm thịt Heo lái bán cho các quán ăn. |
Hiện nay, phần đa các bà nội trợ chọn phương án an toàn là vào siêu thị mua thực phẩm, vì dù sao niềm tin vào một “pháp nhân” vẫn cao hơn “nhân hiệu”. Tuy nhiên, niềm tin đó có đặt đúng chỗ hay không còn tùy vào …nơi tin. Thậm chí đến cả một thương hiệu như Vissan đã có trên 40 năm kinh nghiệm trong ngành cung cấp thực phẩm tươi sống cũng “suýt” đưa lên bàn ăn cho những “thượng đế” của mình những sản phẩm heo chứa chất tạo nạc Salbutamol cao gấp 5 lần cho phép, nhưng điều đáng quan tâm là những con heo này vẫn được chứng nhận heo chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap!
Thậm chí đến thực phẩm dành cho trẻ em cũng không ngoại lệ. Mới đây Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và đưa các sản phẩm đi xét nghiệm, thì đến 100% mẫu xúc xích Vietfoods đều chứa chất cấm gây ung thư Sodium nitrate 521, đây là chất bị Bộ Y tế cấm dùng trong thực phẩm là thịt vì nếu nướng, chiên ở nhiệt độ cao, chất này sẽ bị biến đổi chất và là tác nhân gây ra bệnh ung thư....
Cá nhiễm độc chết cũng được thương lái “tận dụng” làm thực phẩm, trong khi các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không ăn cá nhiễm độc, thế nhưng gần 500kg cá đục được ướp đá và chở vào TP. Hố Chí Minh tiêu thụ thì quả là khủng khiếp!
Các bà nội trợ …vùng lên!
Để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày trong gia đình, các bà nội trợ thường tìm mua những thực phẩm sạch. Từ đó các mặt hàng thực phẩm được gắn mác sạch lên ngôi và giá thành luôn cao gấp vài lần thực phẩm đại trà, còn chất lượng thì chỉ bằng … “niềm tin”!
Vì thế, các mẹ lại có những cách …khó tin như: chị Nguyễn Võ Quỳnh Như, ngụ Quận Thủ Đức cho biết: “Do nhà mình có con nhỏ, nên thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, vào các ngày cuối tuần mình điện về cho gia đình ở quê cần những loại thực phẩm nào để nhà chuẩn bị và gửi lên. Tuy nhiên rau củ không được phong phú như ngoài chợ ở đây vì ở quê thì mùa nào thức ấy, nhưng chất lượng thì hoàn toàn yên tâm”.
Chị Hồng Hạnh, ngụ Quận Gò Vấp hài hước: “Nhà tôi đặt mua gà của người bà con dưới quê Long An, nhưng để tiện chuyến vận chuyển, mỗi lần đưa lên cả chục con, chia ra cho cả bạn bè, anh em sử dụng”.
Không có nguồn thực phẩm sạch ở quê cung cấp thì ta phải tìm cách khác là trường hợp của bà Loan ở quận Tân Bình. “Gia đình tôi đã không đi chợ từ mấy năm nay rồi, vì nhà tôi trồng rau bằng phương pháp Thuỷ canh, vừa có cá ăn thường xuyên lại có rau xanh ăn hằng ngày, tuy phải chăm sóc mất thời gian và tốn kém hơn đi mua ngoài chợ, nhưng có thực phẩm sạch cho gia đình”, bà Loan cho biết.
Nhiều gia đình đã " tự cung tự cấp" rau và cá bằng mô hình Thuỷ canh tại nhà. |
Những ngày gần đây, các bà nội trợ còn rỉ tai nhau đi mua muối và nước mắn trữ ăn dần, vì có thông tin cá nhiễm độc chết đưa từ miền trung vào để làm nước mắm. Từ nhu cầu thực tế, giá bán và số lượng cũng tăng theo, chủ một cửa hàng cho biết: “Trước đây mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 5-7 can nước mắm với giá 150 ngàn đồng/can. Nay mỗi ngày bán hơn 40 can, mỗi can 200 ngàn đồng”.
Từ thực tế trên cho thấy rằng, hơn bao giờ hết, những nhu cầu thiết yếu trong các bữa ăn hàng ngày của người dân phải cần được quan tâm đúng mực. Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh cần chú trọng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng đặt niềm tin và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp mình. Hành lang pháp lý đã rõ ràng, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc những kẻ sản xuất, buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn
Bằng không, nếu tình trạng thực phẩm không an toàn vẫn diễn biến theo chiều hướng trên có lẽ chúng ta lại quay về những thập niên 80 của thế kỷ trước, “tự cung và tự cấp” mới hy vọng không phải sử dụng những thực phẩm chứa chất gây ung thư, ngộ độc…!