Theo đó, đây là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh chính thức hỗ trợ bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho học sinh trong quá trình học trực tiếp. (Ảnh minh hoạ)
Với số kit xét nghiệm này, các trường sẽ thực hiện tầm soát F0, còn kit xét nghiệm tầm soát F1 và các ca có dấu hiệu nghi nhiễm (nếu có) trong lớp có F0 sẽ do y tế địa phương hỗ trợ.
Cụ thể, Sở GD&ĐT quy định, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cấp cho cơ sở giáo dục công lập để thực hiện xét nghiệm tầm soát ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 (là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ) khi dạy học trực tiếp.
Sở GD&ĐT yêu cầu, Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và các quận huyện tiếp nhận bộ sinh phẩm và phân bổ về các trường công lập trên địa bàn theo số lượng đợt 1 là: Cấp mỗi cơ sở giáo dục công lập nhận 1 hộp (20 bộ sinh phẩm). Cấp bổ sung khi các cơ sở giáo dục công lập sử dụng hết số lượng bộ sinh phẩm đã được cấp.
Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện có vai trò giám sát việc sử dụng đúng mục đích, điều phối giữa các trường, báo cáo việc sử dụng bộ sinh phẩm về Sở GD&ĐT định kỳ trước ngày 30 hàng tháng và đề nghị cấp bổ sung khi có nhu cầu.
Trước đó, Sở GD&ĐT cũng đã có đề xuất UBND TP hỗ trợ kit test nhanh Covid-19 cho các trường học trên địa bàn TP để xét nghiệm tầm soát khi có F0, F1 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Theo thông kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ba tuần sau Tết Nguyên đán, gần 10.000 học sinh ở TP mắc Covid-19, tuần hai nhiễm nhiều nhất với gần 6.800 ca và giảm còn 2.660 ca ở tuần ba; khối tiểu học khoảng 4.000 ca, chiếm gần 40%.