Xong việc năm 2017, muốn nhận tiền phải ký hợp đồng năm 2018!
Theo trình bày của bà Phùng Thị Kim Ngân (người được Công ty Phước Lộc ủy quyền), trong năm 2017 người của Công ty Điện lực Bình Chánh liên hệ với Công ty Phước Lộc (do ông Phùng Tấn Lộc, Phó Giám đốc công ty làm đại diện) để thỏa thuận thực hiện việc phát quang cây xanh nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trên địa bàn do đơn vị điện lực này phụ trách.
Do công việc cấp bách nên giữa 2 bên chỉ mới thỏa thuận hợp đồng miệng, để khi thi công xong mới lập các hồ sơ thanh toán. Từ tháng 4/2017 đến 7/2017, Công ty Phước Lộc đã phát quang, cắt tỉa 2.088 cây, tiền công thỏa thuận là 1.258.798.200 đồng. Sau mỗi lần cắt tỉa cây ở từng tuyến dây điện đi qua, giữa 2 bên đều có đại diện ký xác nhận vào bảng khảo sát cây xanh.
Sau khi thực hiện xong công việc, phía Công ty Phước Lộc nhiều lần liên hệ Công ty Điện lực Bình Chánh để yêu cầu thanh toán tiền công. Tuy nhiên phía điện lực cứ “cù cưa” không trả với lý do trong năm 2017 chưa có hợp đồng nên chuyển hồ sơ qua ngân sách năm 2018! Trong quá trình chờ đợi được trả tiền công, ông Lộc bị đột quỵ rồi qua đời, Công ty Phước Lộc tiếp tục đòi tiền thì người của Công ty Điện lực Bình Chánh tên là Quang chuyển sang ông Kha (Phòng Kế hoạch vật tư) và ông Kha chuyển sang cho bà Hằng và bà này yêu cầu phải làm hồ sơ đấu thầu qua mạng cho năm 2018!
Ở đây đặt ra vấn đề vì sao lại có chuyện lạ đời khi công việc đã hoàn tất từ những tháng giữa năm 2017, nhưng phải làm hợp đồng cho năm 2018 thì Công ty Phước Lộc mới được nhận tiền! Phải chăng việc dời thời gian nhằm hợp thức hóa? Vậy số tiền mà điện lực phải trả cho công tác dong nhánh, phát quang của năm 2017 (Công ty Phước Lộc đã thực hiện) đang nằm ở túi ai?
Hàng trăm bảng khảo sát công việc được Công ty Phước Lộc và người của Công ty Điện lực Bình Chánh ký xác nhận.
Hợp đồng miệng vẫn có giá trị pháp lý
Về vấn đề hợp đồng thỏa thuận miệng có giá trị không? Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tìn Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), phân tích: “Công ty Điện Lực Bình Chánh và Công ty Phước Lộc là hai pháp nhân hoạt động theo Luật doanh nghiệp, do đó hợp đồng giao dịch giữa hai bên phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được đại diện theo ủy quyền ký kết với nhau.
Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể” nên hợp đồng miệng cũng được coi là hợp đồng dân sự, được pháp luật thừa nhận và có giá trị pháp lý như hợp đồng văn bản. Do đó khi hai bên thỏa thuận giao dịch bằng miệng, lời nói thì cũng được xem là đã ký kết hợp đồng để thực hiện các nội dung mà hai đã thỏa thuận.
Tại khoản 3 điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng”. Điều 401 quy định “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật”.
Cũng theo luật sư Lễ, theo vụ việc cụ thể thì hợp đồng dịch vụ (thỏa thuận bằng lời nói) về việc phát quang cây xanh giữa Công ty Điện Lực Bình Chánh và Công ty Phước Lộc tuy chưa rõ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được đại diện theo ủy quyền ký kết với nhau nhưng thực tế Công ty Phước Lộc đã thực hiện dịch vụ và đã hoàn thành công việc trong khi Công ty Điện Lực Bình Chánh không phản đối mà còn cử người giám sát thực hiện công việc thì vẫn được xem là hai bên đã giao kết, hoàn tất nội dung thỏa thuận của hợp đồng.
Do Công ty Phước Lộc đã hoàn thành dịch vụ từ năm 2017, thì có quyền yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ. Vì vậy Công ty Điện Lực Bình Chánh phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ theo thoả thuận mà điều 515 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định.
Cũng theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, trong trường hợp Công ty Điện Lực Bình Chánh không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thì Công ty Phước Lộc khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại.
Chiều 3/7, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Ngọc Định, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Chánh, nói: “Chúng tôi chưa bao giờ ký hợp đồng với Công ty Phước Lộc. Vì khi ký hợp đồng với đối tác nào đó phải là giám đốc. Có thể đơn vị nào đó sau khi ký với chúng tôi rồi giao lại cho Công ty Phước Lộc. Bà Ngân lên điện lực làm việc nhưng không làm việc với ban lãnh đạo nên tôi không nắm được. Chúng tôi luôn cầu thị, vì thế bà Ngân có thể tới Công ty Điện lực Bình Chánh gặp tôi để hai bên cùng giải quyết sự việc”.