Cam kết mượn… nhưng không trả
Phần đất nông nghiệp có diện tích 22.397m2 tọa lạc tại phường Bình An và phường Bình Khánh (quận 2, TP.HCM) có nguồn gốc do ông Nguyễn Văn Hiển (bố của bà Nguyễn Thị Nhuận) đứng bộ năm 1963. Năm 1963, chính quyền chế độ cũ lập ấp chiến lược, một số hộ dân từ các nơi về sinh sống trên phần đất này.
Theo Bản đồ phân mảnh số 603-CT/HV ngày 03/04/1970 do văn Phòng Kinh lý – Trắc địa sư Hoàng Huy Vượng lập thì ông Ngô Văn Hai, bà Ngô Thị Điều được thừa kế từ mẹ là bà Nguyễn Thị Nhuận 22.397m2 đất nông nghiệp nói trên.
Sau năm 1975, một số hộ dân đã trở về quê sinh sống, còn lại 08 hộ gia đình, trong đó có ông Nguyễn Văn Vàng vẫn tiếp tục ở; một số hộ có đăng ký theo chỉ thị 299/TTg, nộp thuế cho Nhà nước.
Ngày 22/6/1993, ông Nguyễn Thành Long (là cháu ông Hai, bà Điều) đang ở một phần đất thuộc phường Bình Khánh do cha là ông Nguyễn Văn Vàng để lại, có làm giấy tay mượn đất của ông Hai, bà Điều với nội dung: “Xin bác Tư cất cái quán nhỏ trước đường để buôn bán – 3m x 2,5m. Nếu sau này bác Tư có sang nhượng tôi sẽ trả lại không đòi hỏi bồi thường gì cả”.
Ngày 22/11/1996, ông Nguyễn Thành Long tiếp tục mượn đất và làm tờ cam kết, được ông Ngô Văn Hai, bà Ngô Thị Điều chủ đất ký, nội dung: “Nay tôi làm giấy cam kết là đang ở trên phần đất của bác tôi Ngô Văn Hai diện tích đất là 9x17m. Sau này nếu có gì do quyền của bác tôi, tôi không có quyền tranh chấp đất của bác tôi”.
Mô tả ảnh... |
Ngày 19/01/1998, ông Nguyễn Thành Long làm cầu ra vào nhà đi trên đất của ông Hai, bà Điều. Trước sự chứng kiến của Tổ trưởng dân phố 34, ông Long đã làm Tờ cam kết: “Tôi có làm cầu ra vào nhà nếu sau này nhà nước có quy hoạch hoặc cô bác tôi cần sử dụng tôi không tranh chấp và trả lại Bác Cô”…
Mỗi lần mượn đất của ông Hai và bà Điều, ông Nguyễn Thành Long đều có viết cam kết bằng giấy tay hứa trả, nhưng khi bị đòi thì lại không trả.
Không đòi được đất, ông Ngô Văn Hai và bà Ngô Thị Điều nộp đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương.
Ngày 23/3/1998, UBND quận 2 ban hành Quyết định số 493/1998/QĐ-UB-QLĐT giải quyết đơn khiếu nại của ông Ngô Văn Hai và bà Ngô Thị Điều xin lại đất có nội dung: Không công nhận đơn xin lại đất của ông Hai, bà Điều.
Ngày 25/8/1999, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 4822/QĐ-UB-TD công nhận nội dung Quyết định số 493 trên của UBND quận 2.
Không đồng ý với các quyết định giải quyết của chính quyền địa phương, ông Hai và bà Điều khiếu nại đến các cơ quan Trung ương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/6/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 2120/BTNMT-TTr báo cáo và kiến nghị Thủ tướng công nhận việc giải quyết khiếu nại của ông Hai, bà Điều tại quyết định 2109/QĐ-UB ngày 11/4/2001 của UBND thành phố là đúng quy định của pháp luật; giao UBND thành phố cấp GCNQSD đất cho ông Hai, bà Điều đang sử dụng tại phường Bình Khánh.
Báo cáo số 653/BC-TTCP ngày 07/5/2018 của Thanh tra Chính phủ. |
Tham mưu sai, hậu quả khó khắc phục
Đến năm 2013, UBND TP. HCM trả lời không cấp GCNQSD đất cho ông Hai, bà Điều với lý do “đất đang tranh chấp” nhưng lại cấp GCNQSD đất và tài sản gắn liền với đất đối với toàn bộ 818m2 cho ông Nguyễn Thành Long. Đến ngày 05/5/2015, ông Long chuyển nhượng cho bà Trịnh Thị Hồng với giá trị chuyển nhượng là 6 tỷ đồng.
Bất bình, ông Hai, bà Điều liên tục khiếu nại đến Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 24/6/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) tiếp tục giao vụ việc cho Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố rà soát lại.
Ngày 11/3/2016, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Lãnh đạo UBND thành phố thống nhất kết luận. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh: Điều chỉnh một phần Quyết định 2109/QĐ-UB ngày 01/4/2001, với nội dung: Công nhận diện tích sử dụng đất hộ Nguyễn Thành Long 288m2 (diện tích ông Vang kê khai theo Chỉ thị 299/TTg); công nhận cho gia đình ông Ngô Văn Hai, bà Ngô Thị Điều 530m2 đất; …
Tuy nhiên, ngày 11/12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại có Văn bản số 6712/BTNMT-TTr gửi Văn phòng Chính phủ, góp ý Báo cáo Kết luận số 1248/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Theo văn bản này, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn giữ nguyên quan điểm giải quyết vụ việc tại Văn bản số 2120/BTNMT-TTr ngày 22/6/2012 là không công nhận khiếu nại của ông Hai, bà Điều.
Ngày 08/02/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp tục có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tài liệu, rà soát hồ sơ, tài liệu và đối chiếu trên thực địa, làm rõ những nội dung còn khác nhau nêu tại Văn bản 1248/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ và Văn bản số 6712/BTNMT-TTr của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 16/3/2018, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn thanh tra để kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc, kết luận:
“Văn bản 1248/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ và Văn bản số 6712/BTNMT-TTr của Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự giống nhau về nhận định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất trước giải phóng của gia đình ông Long, nhưng lại khác nhau về diện tích đất ông Long sử dụng hợp pháp, diện tích ông Long lấn chiếm, đối tượng bị lấn chiếm”.
“Giải quyết khiếu nại của ông Hai, bà Điều, các cơ quan tham mưu từ địa phương đến Trung ương chỉ căn cứ vào lời khai của ông Long về quá trình sử dụng đất mà chưa xem xét đến việc có bao nhiêu m2 trong số 818m2 đất ông Long có quá trình sử dụng hợp pháp (đã xây nhà trước giải phóng, có đăng ký 299/TTg), bao nhiêu m2 sử dụng chưa hợp pháp (3 lần cam kết mượn đất, sẽ trả lại khi có yêu cầu của ông Hai, bà Điều). Do cách đánh giá chứng cứ và quan điểm giải quyết chưa chính xác nên cơ quan tham mưu đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết vụ khiếu nại chưa chính xác. Đây là nguyên nhân ông Hai, bà Điều khiếu nại gay gắt, kéo dài cho đến ngày nay mà hậu quả rất khó khắc phục” – Báo cáo số 653/BC-TTCP ngày 07/5/2018 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.