Dự án Khu Đô thị Đại học quốc tế sau gần 10 năm nay là bãi đất hoang. |
Từ khu đô thị đại học quốc tế…
Dự án khu đô thị Đại học quốc tế Tây Bắc TP.HCM được Công ty Berjaya Land Berhad (Malaysia) đầu tư hàng tỷ USD tọa lạc tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, được UBND TP.HCM cấp phép năm 2008.
Dự án có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD được chia thành 4 phân khu chức năng: giáo dục đại học, đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp, khu công viên cây xanh, phúc lợi cộng đồng. Tổng diện tích hơn 900ha, theo như tiến độ công trình sẽ khởi công xây dựng vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2018.
Chủ đầu tư sẽ đầu tư 100ha để phát triển một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á; dành ra 15,2ha xây một trung tâm y khoa nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho khoảng 75.000 dân trong tương lai của khu đô thị; phát triển 20 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông… Các diện tích đất còn lại quy hoạch phát triển trung tâm thương mại, khu hành chính, khu dân cư, câu lạc bộ thể thao giải trí.
Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya hoàn thành sẽ góp phần thay đổi lớn bộ mặt kiến trúc đô thị phía Tây Bắc. Đây được xem là một trong ba khu đô thị vệ tinh quan trọng của thành phố, cùng với khu đô thị Nam Sài Gòn và khu đô thị Thủ Thiêm. Việc phát triển khu đô thị này đồng thời tạo điều kiện cho khu kinh tế phía Tây Bắc phát triển về hướng Tây Ninh, Long An...
Với những ngôi biệt thự xây dở dang. |
Sau khi được chấp thuận cho nhà đầu tư triển khai dự án, nhiều hộ dân sống xung quanh khu đô thị quốc tế vui mừng vì đây nơi hứa hẹn là một trong những đô thị hội nhập, là nơi đáng sống với đầy đủ tiện nghi từ trường học, trung tâm mua sắm sắp tới bệnh viện.
… Trở thành cung đường buôn lậu
Sau gần 10 năm phát triển dự án, chúng tôi vừa có chuyến thực tế quay trở lại khu Đô thị Đại học Quốc tế. Phải rất khó khăn mới có người chỉ đường vào khu trung tâm của công trình.
"Khu đô thị” tỷ đô này hiện bốn bề là đồng không mông quạnh, những ngôi nhà tạm bợ của các hộ dân chưa di dời khỏi vị trí quy hoạch.
“Tất cả đều là “vẽ” trên giấy chứ có thấy ai tới làm đâu? Chủ đầu tư bỏ hoang đất ở đây đã gần 10 năm nay, cây cối mọc um tùm, người dân chúng tôi thất vọng", một người dân nằm trong diện phải di dời của dự án nói.
Ông Nguyễn Thanh Thắm, (53 tuổi), một người dân ở xã Tân Thới Nhì cho biết, mấy năm trước, có mấy cán bộ huyện xuống đo đạc, kiểm tra, lập biên bản kiểm kê tài sản… nhưng sau đó tất cả đều biệt vô âm tín.
"Từ đó, những hộ dân thuộc diện giải tỏa như tôi không được canh tác đất mà phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng, không được xây dựng và đầu tư mở rộng, không được trồng mới các loại cây ngắn ngày".
Con đường mòn dẫn vào dự án vô tình trở thành "cung đường lý tưởng" cho các đối tượng buôn thuốc lá lậu, mặc sức rồ ga, tăng tốc.
Theo nhiều người dân địa phương, vào buổi chiều tối hàng chục chiếc xe máy lao với tốc độ cao. Vì đường này vắng, không ai quản lý nên dân buôn lậu chạy thoải mái mà không sợ bị cơ quan chức năng 'sờ gáy'.
Con đường mòn dẫn vào dự án trở thành nơi các đầu lậu thuốc lá tận dụng triệt để. |
Hiện tại hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây “dở khóc, dở cười” vì dự án tỷ đô này. Khó khăn lớn nhất là các hộ dân là không thể dụng đất mà bán đất cũng không được.
Người dân ở đây cũng không có nước sạch để sử dụng. Bởi lẽ, nước trong “khu đô thị” này bị nhiễm phèn nghiêm trọng.
Không còn cách nào khác, các hộ dân đành làm liều canh tác lúa trên diện tích đất nhà mình để kiếm miếng ăn qua ngày. Nhiều hộ dân tận dụng khoảng đất trống để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thậm chí chứa rác.
Những ngôi nhà tạm bợ nằm trong khu quy hoạch treo gần 10 năm nay. |
Bà Thắm, hộ dân nằm trong dự án treo tỷ đô bày tỏ: "Nếu chủ đầu tư có làm dự án thì làm cho nhanh, còn không phải trả đất lại cho dân làm ăn chứ đất bỏ hoang, để cỏ mọc um tùm thế này mà chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn thì lãng phí quá”.