Dự án Coco bay Đà Nẵng được quảng cáo do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn khoảng hơn 10.000 tỉ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 31ha.
Tập đoàn Empire tiền thân là Công ty cổ phần Đầu Tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) thành lập từ năm 1992. Đơn vị này, hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính, nhà hàng khách sạn, phát triển khu vui chơi giải trí…
Siêu dự án Coco bay Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 31ha đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính hùng mạnh. |
Thông tin từ web cocobays.vn cho biết “71% số căn hộ Coco Skyline Resort đã được khách hàng”. Nhiều thông tin về việc mở bán cũng như đặt giữ chỗ thành công cũng được truyền tải rầm rộ trên các phương tiện Internet, Facebook...Ngoài ra, truyền thông cũng cho biết hiện đã có 2 block thuộc dự án Coco Ocean Resort thuộc phân khu quy hoạch số 1 của Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp đã được bán sạch. Hiện nay, chủ đầu tư Empire Group đang chào bán giai đoạn 2 dòng sản phẩm condotel có tên gọi là Coco SkyLine Resort với 2 block S1 và S2.
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập từ môi giới, trong buổi lễ giới thiệu dự án vào tháng 6/2016 chủ đầu tư đã tiến hành nhận đặt cọc của khách hàng tới 50 triệu đồng. Hiện nay, Chủ đầu tư The Empire tiếp tục mở bán căn hộ Condotel mới với tên Coco Skyline, rất nhiều căn hộ tại Condotel này đã được đặt cọc giữ chỗ. Công ty Thành Đô tiến hành ký với khách hàng một thỏa thuận đặt mua.
Một số nội dung tại thỏa thuận đặt mua, cụ thể Phụ lục 1 nói về phương thức thanh toán, theo tiến độ thì tiền đặt mua lần 1 sau khi ký là 50 triệu đồng. Sau đó trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận đặt mua khách hàng phải thanh toán 15% giá trị căn hộ (chưa bao gồm VAT). Như vậy, theo tính toán việc tiến hành nhận đặt cọc từ tháng 6 tới nay, với mức giá bán được công bố hơn 1,2 tỷ đồng/căn hộ 1 phòng ngủ. Con số mà Chủ đầu tư huy động trái phép từ khách hàng có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên dự án Coco bay Đà Nẵng lại chưa chưa đủ điều kiện mở bán. Cụ thể, Khoản 1 Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản Chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Hiện tại Chủ đầu tư The Empire chưa có những điều kiện này. Ngoài ra, thắc mắc về giấy phép xây dựng các condotel phía Tập đoàn The Empire cũng chưa cung cấp được.
Huy động vốn trái phép thông qua thỏa thuận đặt mua. |
Sau khi phóng viên gửi câu hỏi qua email, ngày 22/9, tại Cơ quan đại diện phía Nam Báo điện tử Tầm Nhìn, ông Trịnh Việt Hưng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire cho chúng tôi biết: “Hện tại thì bên mình chưa đi đến mức ký hợp đồng mua bán, đang ở mức độ giữ chỗ”. Theo ông Hưng, trên thị trường rất nhiều đơn vị áp dụng việc đặt cọc giữ chỗ khi chưa đủ điều kiện, chứ không phải riêng dự án Coco bay Đà Nẵng mới làm như vậy. “Tất nhiên đây là một nguồn huy động vốn của chủ đầu tư, huy động vốn ở đây là cho công tác thi công và xây dựng chứ không phải là để chiếm dụng vốn như một số thông tin lan tỏa trên các trang báo và các thông tin điện tử” ông Hưng giải thích.
Phóng viên thắc mắc mục đích trong việc ký thỏa thuận đặt mua là gì? Ông Hưng giải thích “Mình phải thu giữ chỗ của khách hàng sau này mình đủ điều kiện thì mình sẽ tiến hàng ký hợp đồng”. Đại diện Tập đoàn Empire khẳng định khi dựng lên các hợp đồng mua bán cũng như tất cả các hợp đồng liên quan thì đơn vị này đều thuê một đơn vị tư vấn luật để dựng lên tất cả các khung hợp đồng này cho nên rất đầy đủ và phù hợp với pháp luật.
Theo Luật sư Phạm Văn Việt, Công ty Luật Rồng Châu Á, Đoàn luật sư TP.HCM, luật không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, việc ký hợp đồng đặt cọc để giữ chỗ ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là vi phạm pháp luật chứ không thể gọi là lách luật.
Dự án Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 31ha. Tuy nhiên, theo giấy chứng nhận doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 thì vốn điều lệ của Công ty Thành Đô chỉ có 500 tỷ đồng. Anh Cao Tuấn (một nhà đầu tư tại TP.HCM) cho rằng: “Vốn ít thì chủ đầu tư phải huy động nhiều từ khách hàng và phải vay ngân hàng nhiều hơn, điều này khiến rủi ro càng càng cao. Muốn đầu tư nhưng vẫn khá e ngại”.
Tại dự án này cũng cho thấy chủ đầu tư có dấu hiệu khát vốn khi “vội vã” ký thỏa thuận đặt mua và huy động vốn trái phép từ khách hàng khi chưa đủ điều kiện. Ngoài ra, bản thảo hợp đồng mua bán có rất nhiều điều khoản ràng buộc, mang tính áp đặt khiến dư luận đang đặt ra dấu chấm hỏi chủ đầu tư đang chiếm dụng vốn để lấp đi năng lực tài chính hạn chế của mình.Về thỏa thuận đặt mua, nhiều luật sư cho rằng chủ đầu tư đã sai phạm và khách hàng có thể gặp nhiều rủi ro từ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn tại bài tiếp theo.
Nguyên Vũ/Tamnhin.net