Chính phủ Australia vừa quyết định ngừng xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam sau khi một nhóm bảo vệ động vật công bố những hình ảnh cho thấy cảnh giết thịt bò tàn bạo trong các lò mổ ở nước ta.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thẳng thắn thừa nhận, DN Việt giết mổ tàn bạo như vậy, "bị đình chỉ là đúng quá, oan gì".
Ông Dương cho biết thêm, trước đây phía Australia đã từng cảnh báo, nhưng Việt Nam vẫn vi phạm, nên họ "làm thật".
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Australia, ông Lương Thanh Nghị cho biết hiện các cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp với phía Australia tiến hành điều tra các cơ sở này và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời tiến hành rà soát quy trình của các cơ sở giết mổ khác.
Đại sứ quán đã làm việc với phía Australia về vụ việc này, khẳng định Việt Nam luôn nhận thức tầm quan trọng của việc đối xử nhân đạo với gia súc được thể hiện rõ trong Luật thú y và các quy định của pháp luật khác. Các cơ sở giết mổ được phía Australia chấp thuận đã và đang tuân thủ hết sức nghiêm ngặt quy trình của phía bạn (Escas). Với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Chính phủ Úc đã đình chỉ các hoạt động xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam, sau khi ABC đăng video của Tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia về các hoạt động giết thịt trong lò mổ Việt Nam. Việc giết bò bằng búa tạ bị coi là tàn bạo và không phù hợp với tiêu chuẩn của Úc.
Giết bò thịt bằng búa tạ quá tàn nhẫn. |
Tuy nhiên, hiện nay với hơn 20.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát và chưa có một quy trình chuẩn nào được bắt buộc thực hiện, đã khiến các chủ lò mổ vẫn… mạnh ai nấy làm. Theo ABC News, khảo sát tại 13 cơ sở giết mổ ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam cho thấy chỉ có 2 cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn.
Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhập khẩu bò sống, cũng như cung ứng sản phẩm thịt bò Úc sắp tới.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết: “Việc giết mổ thủ công như trong clip thì không thể áp dụng cho quy trình giết mổ công nghiệp" như của đơn vị này.
Theo vị lãnh đạo tập đoàn, sản phẩm thịt bò của doanh nghiệp này chủ yếu là bò Úc nên quy trình giết mổ đều được áp dụng bộ tiêu chuẩn của đơn vị xuất khẩu (ESCAS).
Theo đó, họ sẽ giám sát quy trình từ khi xuất bò đi, việc di chuyển, chuồng trại, lưu nuôi cho đến khi tiến hành giết mổ, đảm bảo sao cho bò được chết một cách êm ái nhất. Đây là một bộ tiêu chuẩn đảm bảo quy tắc giết mổ nhân đạo mà mỗi nhà nhập khẩu đều phải tuân thủ.
Cũng vì quy định ngặt nghèo nên một số doanh nghiệp dù đang rất muốn nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này, nhưng họ còn e ngại vì không đáp ứng được lò giết mổ theo tiêu chuẩn khắt khe của Úc.
Theo đúng quy trình thì việc giết mổ bò Úc rất nghiêm ngặt. Khu vực giết mổ phải sạch sẽ cao ráo, cách mặt đất 80 cm, đặc biệt phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, trong khu vực giết mổ phải có chuồng ép để bắn súng hơi gây ngất. Đây không phải là điều dễ đáp ứng với nhiều doanh nghiệp.
Theo thống kê của Vissan, nhu cầu thị trường Việt Nam hiện trên 3.000 con bò thịt mỗi ngày, riêng TP HCM là 600 con. Từ tháng 9/2013, Vissan đã nhập khẩu bò về giết mổ vì nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Hơn nữa, bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, sản lượng thịt chỉ đạt 50% sau khi giết mổ, trong khi bò Úc có trọng lượng lớn (bình quân 500kg/con), cho tỷ lệ thịt đạt 55%.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đơn vị này đã nhập bò về bán. Và hiện tại, mỗi ngày riêng DN này tiêu thụ 50 con bò Úc.
Tuy nhiên, bà Ninh cho biết hiện tại việc nhập khẩu bò Úc của Vissan vẫn chủ yếu là nhập gián tiếp thông qua một đơn vị nhập khẩu khác. Thời điểm này, đơn vị khó có thể đánh giá được việc ảnh hưởng từ thông tin cấm nhập bò ÚC được các tổ chức bên nước xuất khẩu yêu cầu.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam bị phía Úc điều tra và tạm ngừng xuất khẩu bò vì vi phạm quy chuẩn giết mổ. Vào các năm 2011, 2013, phía Úc cũng đã mở cuộc điều tra liên quan tới các khiếu nại của Animals Australia, về việc bò Úc bị giết bằng búa tạ trong một số lò mổ tại Việt Nam.
Không chỉ 3 lò mổ đã được xác định danh tính bị cấm nhập khẩu, nhà chức trách Úc cũng đang điều tra, rà soát các đơn vị khác để quyết định việc có hay các trường hợp khác vi phạm Hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu (ESCAS).
Khi nước này siết việc xuất khẩu bò sang Việt Nam, rất có khả năng thị trường Việt Nam sẽ phải tạm vắng bóng bò Úc.