Và mới đây, khi Hà Nội cùng với Đà Nẵng đưa vào thử nghiệm kỹ thuật xe buýt 2 tầng, Bộ GTVT lại tiếp tục yêu cầu dừng triển khai.
Mang tính áp đặt
Tại Văn bản số 2171/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong các đô thị bằng xe chuyên dụng 2 tầng thoáng nóc. Cũng tại văn bản này, Thủ tướng không hề có ý kiến giao cho bất cứ một DN nào cụ thể.
|
Xe buýt 2 tầng chạy thử nghiệm trên phố Tràng Tiền ngày 30/6. Ảnh: Duy Linh |
Vậy nhưng, ngày 13/12/2016, trong Văn bản số 14850/BGTVT-VT (cùng tất cả các văn bản liên quan), Bộ GTVT đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương liên quan: “Phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc tổ chức và quản lý thí điểm loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô của Công ty liên doanh Vận tải quốc tế Hải Vân”.
Đặc biệt, cũng tại văn bản này, Bộ GTVT còn đề nghị các địa phương: “Không phát sinh tăng các đơn vị thí điểm khi chưa được Thủ tướng chấp nhận”. Như vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo việc triển khai thí điểm xe buýt du lịch 2 tầng trên phạm vi 7 tỉnh, TP trong thời gian 5 năm mà chỉ giao đích danh cho một đơn vị duy nhất thực hiện.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT chỉ định đích danh DN như vậy có mang tính áp đặt hay không, có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không? Nếu việc thí điểm chỉ do Công ty Hải Vân độc quyền thực hiện thì vai trò của địa phương ở đâu, và liệu thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, chất lượng dịch vụ có được như mong muốn?
“Tuýt còi” liệu có đúng?
Sau khi Hà Nội và Đà Nẵng giao cho các DN vận tải khác, không phải Công ty Hải Vân xây dựng phương án, đưa vào thử nghiệm kỹ thuật xe buýt 2 tầng, ngày 19/7, Bộ GTVT đã ra văn bản “tuýt còi”. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương dừng triển khai thí điểm xe buýt 2 tầng với lý do... chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Trên thực tế, đây mới chỉ là thử nghiệm kỹ thuật để có thêm cơ sở thực tế xây dựng và hoàn chỉnh phương án của các đơn vị. Hơn nữa, việc thử nghiệm cũng đã được UBND 2 TP Hà Nội và Đà Nẵng thông qua. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi có phương án hoàn chỉnh, được UBND TP phê duyệt, Sở còn phải tiếp tục trình lên Bộ GTVT xem xét thống nhất. Vậy nhưng, Bộ GTVT lại không để các địa phương làm đúng lộ trình đã vạch ra, mà buộc dừng ngay việc xây dựng phương án và thử nghiệm kỹ thuật.
Xe buýt 2 tầng đã được triển khai từ những năm 1950 và hiện đã có mặt tại 120 TP lớn trên toàn thế giới. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cũng đánh giá: “Việc triển khai mở mới tuyến buýt City Tour là thực hiện chủ trương, chỉ đạo của UBND TP, phù hợp trong điều kiện hiện tại và và góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo, tạo hình ảnh đẹp nhằm phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội”. Khi có chủ trương của Chính phủ, một số DN tại Đà Nẵng và Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch, đầu tư phương tiện để triển khai loại hình này theo chỉ đạo của TP. Việc Bộ GTVT yêu cầu dừng lại sẽ gây thiệt hại lớn cho DN, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT chỉ nên xây dựng kế hoạch hoạt động, các quy định cụ thể đối với xe buýt 2 tầng, sau đó giao cho địa phương tự lựa chọn DN đủ năng lực. Đằng này, trong tất cả các văn bản gửi địa phương liên quan đến xe buýt 2 tầng, Bộ GTVT đều “coi như” việc thí điểm đã được giao cho Công ty Hải Vân thực hiện. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng |