Công văn cho biết, vừa qua trên Pattaya Mail có nêu: Giới chức tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) cảnh báo, nước sông Mekong tại đây chỉ còn sâu hơn 1m và dự báo hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô năm nay. Nguyên nhân do việc xây đập trên thượng nguồn và lượng mưa thấp.
Mưu sinh nhờ con nước đầu nguồn sông Cửu Long
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi dòng chảy sông Mekong để kịp thời dự báo và điều hành sản xuất phù hợp tại ĐBSCL.
Trước đó, giữa tháng 3/2021, theo tờ Pattaya Mail đăng tải, sông Mekong hiện chỉ sâu hơn 1m khi chảy qua tỉnh Nakhon Phanom, gây ra nguy cơ hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô. Các quan chức tỉnh này cho biết mực nước sông đang giảm nhanh hơn những năm gần đây do việc xây dựng các con đập ở nước láng giềng Lào và lượng mưa thấp ở các khu vực lưu vực. Mực nước trên 3 nhánh sông chính là sông Nam Kam, Nam Songkhram và Nam Un ở mức 10-20% dung tích, gây ra tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp.
Trong khi đó, các quan chức thủy lợi phải ngừng xả nước từ hồ Nong Han ở tỉnh Sakon Nakhon để giữ đủ nước tưới cho đất nông nghiệp trong mùa khô. Nông dân cũng được yêu cầu trồng cây bên ngoài các khu vực được tưới tiêu và tìm kiếm các nguồn nước mới để đối phó với hạn hán…
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong tuần này có xu thế giảm và tăng trở lại vào cuối tuần cho đến hết tháng 3, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu nhất trên sông Cửu Long từ 48-70km, sông Vàm Cỏ từ 75-90km và sông Cái Lớn 50-55km. Trong tuần không xuất hiện mưa nên nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước đến từ lưu vực sông Mekong, đề phòng gió Chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long…