Sụt lún trên diện rộng
Cho đến thời điểm này, Cà Mau là tỉnh bị sụt lún nghiêm trọng nhất khu vực ĐBSCL với hơn 1.000 điểm lớn nhỏ. Trong đó, có hơn 500 điểm tại các vị trí công trình giao thông nông thôn và hạ tầng dân sinh. Tình trạng sụt lún bất thường diễn ra phổ biến trong các tiểu vùng ngọt hóa cục bộ, chiếm hơn 50% số vụ sụt lún trong hơn 2 tháng qua.
Sự cố sụt lún 100m đường phòng hộ đê biển Tây ở Cà Mau đã xảy ra lúc rạng sáng ngày 18/2 tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Ảnh Thanh Niên).
“Chưa kịp mừng đường được bêtông hóa thì đã phải buồn vì toàn bộ đường sá hư hỏng hết. Việc sụt lún khiến đi lại, nhất là vận chuyển nông sản của người dân chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn”, ông Nguyễn Văn Hai (ấp Ông Bích Lớn, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc đường sá bị sụt lún, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho rằng, điều nghịch lý là ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị sụt lún khắp nơi, trong khi ngoài vùng ngọt hóa lại không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, một số nơi tại vùng ngọt hóa ở huyện U Minh không ảnh hưởng. Nguyên nhân là tại các vùng này hệ thống kênh mương vẫn còn nhiều nước.
Từ thực tế này, UBND huyện Trần Văn Thời đưa ra nhận định nguyên nhân dẫn đến sụt lún, sạt lở đất chủ yếu là do nắng hạn kéo dài, các tuyến kênh, rạch bị cạn nước làm mất áp lực, trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, đồng thời chiều rộng bờ kênh, rạch từ mặt đường đến mép kênh hẹp dẫn đến nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao.
Ngoài ra, người dân trên tuyến kênh, rạch thiếu ý thức trong việc khai thác đất quá mức từ đáy kênh bằng máy bơm hút và máy đào làm cho đáy kênh rộng và sâu cục bộ dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.
Thiếu nước ngọt trầm trọng, người dân khu vực ĐBSCL phải mua nước ngọt với giá cao 200.000 đồng/m3 được bơm lên từ giếng.
“Chúng tôi muốn xây dựng các hồ chứa nước ngọt có trữ lượng lớn trong các tiểu vùng ngọt nhưng ý kiến từ các nhà khoa học còn khác nhau và nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa được T.Ư giải ngân”, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Cũng theo ông Sử, mặc dù chính quyền địa phương đã chủ động bằng nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn, song hiện nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 21.000 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng; hơn 19.000 ha lúa đông xuân đứng trước nguy cơ thất trắng; hơn 43.000 ha rừng ở U Minh Hạ đang khô hạn ở cấp độ 3 và 4, nguy cơ cháy rừng rất lớn.
Tương tự, tại Tiền Giang, mùa khô năm 2020 đánh dấu một sự bất thường mà từ trước đến nay rất hiếm khi xảy ra. Ngay từ đầu mùa khô, rải rác trong vùng ngọt hóa Gò Công đã xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún.
Đầu tiên là những điểm sạt lở dọc theo mé của các tuyến kênh khi mực nước bị giật xuống, khô cạn, tiếp đến là những tuyến đường dọc theo các tuyến kênh cũng bị "kéo xuống".
Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ngày 25/2 vừa qua trên tỉnh lộ 873, đoạn qua xã Bình Xuân, thị xã Gò Công. Cả một đoạn đường dài gần 50m bỗng chốc sụt lún, trôi xuống sông Vàm Vé.
Người dân Gò Công Đông (Tiền Giang) hứng nước từ vòi công cộng về dự trữ.
Ngoài điểm sạt lở này, Tiền Giang còn có nhiều điểm sạt lở khác nằm dọc hai bên hệ thống kênh dẫn nước. Điển hình như vụ sạt lở dọc theo kênh 14 tại huyện Gò Công Tây.
Đánh giá về nguyên nhân gây sạt lở, ông Lễ Văn Nghĩa - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết hệ thống kênh 14 là kênh dẫn nước ngọt mới được nạo vét. Bùn đất sau khi nạo vét được dùng để đắp hai bên kênh làm đường giao thông.
"Bước đầu, các chuyên gia thủy lợi đánh giá nguyên nhân là do kênh bị vét quá sâu, trong khi đất đắp lên hai bên bờ kênh bị khô, rút nước nên mất độ kết dính gây sạt lở" - ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, tại Bến Tre, tình hình cũng không khả quan hơn, do hạn mặn đến sớm, cường độ cao và xâm nhập quá nhanh, quá sâu vào nội đồng nên các kế hoạch phòng chống chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Hiện nay, độ mặn 2‰ đã gần như bao phủ địa bàn và đang diễn biến rất phức tạp. Hơn 5.000 ha lúa gần như thất trắng, hơn 20.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Không để người dân chịu đói, chịu khát
Hạn mặn khốc liệt, lúa chết non, người dân tận dụng cho bò ăn.
Liên quan đến tình trạng hạn mặn và sụt lún khẩn cấp đang diễn ra tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL, mới đây, ngày 8/3 tại Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh đã công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2020 gồm Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Cà Mau.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn nhưng vẫn có những thiệt hại. Diện tích lúa đông xuân toàn vùng khoảng 1,5 triệu ha, hiện đã thu hoạch một triệu ha. Tổng diện tích lúa thiệt hại gần 40.000 ha (trên 30% năng suất).
Có khoảng 95.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt (năm 2016 là 210.000 hộ), Sóc Trăng là tỉnh có số hộ dân bị ảnh hưởng cao nhất với 24.000 hộ.
Theo ông Hiệp, năm 2019, sông Mekong ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thấp hơn cả năm lịch sử 2016, gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô. Trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, 10 tỉnh còn lại đều bị ảnh hưởng.
Dự báo của ngành chức năng, trong tuần tới mặn tiếp tục tăng cao, kéo dài đến tháng 4, có nhiều nhánh sông nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền đến 100 -110 km tính từ cửa sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An).
Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ vào nội đồng, hệ thống kênh mương. Khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho dân.
Các tỉnh cần chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân vùng sâu, ven biển, tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh. Xây dựng hồ trữ nước ngọt tại kênh cụt và dẫn dòng cũ, đập tạm ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt cho các trạm cấp nước ở Bạc Liêu, Trà Vinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những giải pháp mà các địa phương đã và đang thực hiện trước những khó khăn do tình trạng hạn, mặn gây ra. Đồng thời, đồng ý chi 350 tỷ đồng cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau ứng phó hạn mặn.
“Trước mắt, các địa phương cần “mở hầu bao”, kể cả về nguồn vốn ngân sách dự phòng để cùng với nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp 70 tỷ/tỉnh để kịp thời hỗ trợ dân và triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn tạm thời. Đồng thời chuẩn bị sẵn điều kiện thuận lợi nhất cho vụ hè thu sắp tới. Đối với các nguồn vốn dự toán trong các kế hoạch phân bổ ngân sách trung hạn 2016 - 2020 mà còn chậm giải ngân, sắp tới tôi sẽ chủ trì một hội nghị liên quan vấn đề này và nếu phát hiện cá nhân, tổ chức thuộc T.Ư hay địa phương nào gây khó khăn, chậm giải ngân theo kế hoạch thì tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo trong triển khai kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn ở giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL phải ưu tiên cấp nước ngọt và đảm bảo không có người dân nào chịu khát, chịu đói.
Dịp này, đoàn công tác của Thủ tướng đã vận động từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước được 1.600 thiết bị lọc nước mặn thành ngọt với công suất 120 lít/ngày tặng cho 8 tỉnh bị hạn mặn nghiêm trọng. Thủ tướng cũng tặng riêng cho tỉnh Bến Tre 300 bồn chứa nước loại 1.000 lít/bồn.
Các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, để giảm tình trạng hạn hán, nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính như: Tập trung xây dựng và sớm ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công (vùng ĐBSCL) trên cơ sở đó xây dựng, hoặc điều chỉnh quy hoạch các ngành có sử dụng nước, quy hoạch phát triển hạ tầng cho phù hợp. Khẩn trương nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước; giám sát biến động bùn, cát trên sông Mê Công; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng, chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông. Điều tra, khoanh vùng các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ phê duyệt và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình. Các bộ, ngành liên quan hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Công, bao gồm các nước thành viên Ủy hội Mê Công quốc tế, Trung Quốc, My-an-ma để phát triển bền vững toàn lưu vực sông Mê Công, nhất là việc xây dựng, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn trong việc bảo đảm nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn, hạn chế suy giảm phù sa, nguồn lợi cho ĐBSCL. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung được khai thác từ nguồn nước mặt, qua đó giảm dần việc khai thác nước dưới đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như hiện nay. |