Được xem là vùng sông nước mênh mông bao đời nay, vậy mà người dân ĐBSCL vẫn đang phải từng ngày, từng giờ “vật lộn” với tình trạng thiếu ngọt trên diện rộng, từ nước dùng trong sản xuất, cho đến nước sinh hoạt hằng ngày.
Nước ngọt “giá mặn”
Ghi nhận cho thấy, hiện nay một số nơi ở ĐBSCL, nước sinh hoạt đang có giá lên đến 200.000 đồng mỗi khối (mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị), thậm chí chính quyền địa phương phải dùng xe chở nước cho người dân giải hạn.
“Năm nay mưa trễ hơn một tháng, tất cả những bể chứa nước ngọt của người dân trong vùng đều đã cạn khô. Trung bình mỗi ngày tôi phải thuê 2 lần xe tải chở nước ngọt về cho 6 người trong gia đình sử dụng”, ông Nguyễn Thế Hải (Cần Giuộc, Long An) cho biết.
Cũng theo ông Hải, giá mua nước ngọt hiện từ 150.000 đến 200.000 đồng một khối. Với một gia đình trung bình 4-5 người, thì mỗi tháng phải chi ra ít nhất là hơn 1 triệu đồng tiền mua nước ngọt, cao hơn gấp 4 lần tiền mua gạo.
“Vì phải bỏ số tiền lớn ra mua nước ngọt, nên hầu như gia đình nào cũng phải tính cách sử dụng sao cho tiết kiệm nhất cho thể. Chẳng hạn, sử dụng lại nước vo gạo để lại tưới cây, hay cho vật nuôi uống, còn nước tắm rửa của các thành viên trong nhà thì phải dùng nước mặn, sau đó rửa sơ lại bằng nước ngọt”, ông Hải chia sẻ.
Không chỉ Long An, người dân nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang khổ sở với đợt hạn hán gay gắt năm nay.
Tại Bến Tre, do hạn mặn, toàn tỉnh hiện có khoảng 57.000 hộ, với 205.000 người dân sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao…thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ.
Trong khi đó, nước sạch do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cung ứng cho người dân TP Bến Tre sử dụng cũng đã bị nhiễm mặn nên nhiều người phải bỏ tiền mua nước ngọt về dùng.
Tại khu vực Bến Lở, phường 1 (trung tâm TP Bến Tre), dịch vụ vận chuyển nước ngọt bằng sà lan được lấy ở sông, đoạn gần cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), nơi mặn từ cửa sông chính chưa xâm nhập đến về cung ứng cho người dân.
Theo đó, nguồn nước ngọt được chở về để bán cho người dân với giá tại bến là 100.000 đồng mỗi khối. Sau đó, tiền công thuê xe để chở mỗi khối nước đến nhà các hộ dân nằm trong khu vực nội ô TP Bến Tre là 100.000 đồng. Như vậy, người dân tại trung tâm của TP Bến Tre phải mất 200.000 đồng mới có được một khối nước ngọt sử dụng.
Ở các huyện vùng nông thôn tỉnh Bến Tre cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông được đưa đến tận hộ gia đình bằng xe tải, xe lôi, xe máy kéo với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/m3, tùy theo đoạn đường vận chuyển xa, gần.
"Một số chỗ ở khu vực xa trung tâm, cầu nhỏ xe không qua được, nên có tiền cũng chưa chắc có nước để xài. Vì vậy, dù giá cao nhưng có xài vẫn còn hơn không có. Trước đây giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng một khối nhưng nay nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá 150.000-200.000 đồng/m3. Dù giá nước "chát" là thế nhưng chúng tôi không còn cách nào khác", chị Nguyễn Thị Mừng (huyện Ba Tri, Bến Tre) nói.
Tương tự, những con kênh được xây dựng nhằm ngăn nước mặn, dẫn nước ngọt ở tỉnh Bạc Liêu mười mấy năm trước nay đều cạn khô.
“Từ hai tuần nay, chúng tôi đã không có đủ nước máy để dùng. Bắt buộc phải “bóp bụng” mua nước ngọt, làm sao sống được nếu không có nước ngọt, chỉ những ai đang phải trải qua tình cảnh này mới thấy nước ngọt quý giá biết bao”, chị Trần Kim Nhung (huyện Phước Long, Bạc Liêu) than thở.
Sống tại một trong những tỉnh đầu nguồn sông Tiền, bà con ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng phải xếp từng hàng dài trước vòi nước công cộng hiếm hoi còn có nước. Sau vài tiếng chờ đợi, họ có thể mang được vài can nhựa (loại 30 lít) chất lên xe chở về nhà.
"Nước ngọt trong cống đập bị tù đọng, nhiễm các hóa chất từ phân bón, thuốc trừ sâu, mầm bệnh tồn dư. Vì vậy, muốn sạ lúa nông dân chúng tôi phải chờ mưa xuống, ít nhất một tháng nữa. Còn với những cánh đồng hoa màu, nông dân phải tưới qua phễu tự chế để tiết kiệm nước ", anh Nguyễn Bá Vĩnh (xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết.
Theo anh Vĩnh, chỉ tính riêng tiền mua nước sinh hoạt đã chiếm phần lớn thu nhập của hầu hết các gia đình. Chưa kể, việc thiếu nước ngọt còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh kế dài lâu chứ không chỉ chuyện hiển hiện trước mắt.
“Tiền chi mua nước ngọt tăng cao trong khi sinh kế ngày càng khó khăn. Lúa chết, rau chết, dịch Covid-19 hoàng hành, đồng tiền khó kiếm. Thêm thiếu nước ngọt, tôi cảm giác như tôi và hàng ngàn người dân ĐBSCL đang "héo hon" hơn cả nhưng cây khô ngoài ruộng”, anh Vĩnh buồn bã nói.
Hạn mặn “lên đỉnh”
Liên quan đến những diễn biến phức tạp của tình hình hạn mặn đã và đang diễn ra tại các tỉnh ĐBSCL, mới đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thông (Bộ NN&PTNT) thông tin cho biết, mặc dù hạn mặn đã diễn ra gay gắt, tuy nhiên từ ngày 7-15/3 tới đây mới là thời điểm "đạt đỉnh" của hạn mặn năm nay.
Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô năm 2019-2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8 -14/2 (đạt đỉnh ngày 12/2) với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55-74km.
Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, từ ngày 29/2 đến 6/3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm theo kỳ triều xuống, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45-55km trở lên tại thời điểm triều thấp (chân triều).
Từ ngày 7-15/3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l, phạm vi ảnh hưởng ở khu vực sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100-110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62-65km...
Cuối tháng 3/2020, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng.
Bộ NN&PTNT nhận định đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân, dự báo có 80.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn trong mùa khô năm 2019-2020.
"Đây là vấn đề lớn, cần phải đặc biệt quan tâm vì thiệt hại về cây ăn quả sẽ mất cả chục năm để khôi phục", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng; tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao; chưa tổ chức xuống giống lúa vụ hè thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam vừa qua cũng phát đi thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, đến giữa tháng 4, lưu lượng xả ra ở thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm 2.000-3.000 m3/s còn 1.500-1.600 m3/s. Ảnh hưởng của việc này, dự báo, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nước mặn có thể vào sâu hơn ở miền Tây. Năm 2016, đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. |