Tăng cường rà quét, phát hiện kịp tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý theo pháp luật. Ảnh: Internet
Theo đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 78/NQ-CP; kịp thời chấn chỉnh tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ TT&TT đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương;…
Thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ, tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.
Trường hợp bộ, ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí…
Theo Bộ TT&TT, thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đáng chú ý, tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Do vậy, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Sử dụng mạng xã hội cung cấp,chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về Covid-19 không chỉ bị phạt đến 10 triệu đồng, mà còn có thể bị xử lý tội hình sự. Ảnh Internet
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì tổ chức có hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về Covid-19, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Mặt khác, các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận, cơ quan chức năng sẽ điều tra, khởi tố theo quy định pháp luật. Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống Covid-19 hướng dẫn xác định tội danh hình sự Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |