Nhà 6 người tháng dùng hết 1.000 số nước
Theo sự phản ánh của gia đình ông Trần Công Ứng (62 tuổi) và bà Hoàng Thị Hòa (60 tuổi, ở số 10 xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), cuối tháng 4 vừa qua gia đình ông bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền nước khi số tiền phải trả lên tới 19.125.036 đồng.
Mức đóng trên cao gấp gần 100 lần so với số tiền nước gia đình bà Hòa chi trả các tháng trước. Cụ thể, ông Ứng cho biết gia đình gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ mọi sinh hoạt trong tháng 4 diễn ra bình thường, không có thay đổi lớn. Hàng tháng ngày 27 - 28 gia đình vẫn nhận được thông báo giá tiền nước từ nhân viên của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp, với số tiền dao động từ 200.000 – 300.000 nghìn đồng.
Chiếc đồng hồ nhà ông Ứng bỗng nhiên tăng đột biến. Ảnh phụ nữ TPHCM |
Ông Ứng nhớ lại: "Như thường lệ họ vào nhà tôi chốt số nước bảo là hơn 1.000 m3, vợ chồng tôi mới hỏi là bao nhiêu tiền, họ trả lời 24 triệu đồng. Chưa hết, HTX còn “an ủi” thêm, nếu bây giờ gia đình làm đơn thì do là người làng nên HTX chỉ tính ở mức 3 (giá 9.990 đồng/m3 nước) là 19.125.036 đồng".
Con số cuối cùng được HTX đưa ra là 10.793.690 đồng tiền nước cho tháng 4. Lý do cho sự thay đổi trên được giải thích do gia đình có khó khăn nên chúng tôi chỉ lấy bằng chi phí mà HTX phải bỏ ra" – ông Ứng cho biết.
Khi trao đổi với báo chí, bà Hòa rất hoang mang: "Chúng tôi thấy vô lý và bảo không đóng. Tuy nhiên phía HTX cũng bảo rằng từ nay đến 24 nếu không đóng thì họ sẽ cắt cả điện, cả nước. Họ còn dọa chúng tôi rằng, nếu không đóng thì chỉ có cách đi làng khác ở. Tôi phải xin vì tôi sợ bị đuổi".
Nghi vấn HTX có dấu hiệu sai phạm?
Sau khi thu tiền điện nước, mặc dù gia đình bà Hòa có yêu cầu HTX xuống kiểm tra nguyên nhân tăng số bất thường. Nhưng cho đến nay, thông tin duy nhất trả lời cho gia đình là do vỡ đường ống dẫn nước.
Sống trong cảnh lo lắng, suốt những ngày qua gia đình bà Hoa ngày nào cũng lật phao, bể lên để kiểm tra đồng hồ điện.
Theo gia đình bể nước, phao của gia đình vẫn hoàn toàn bình thường. Ảnh phụ nữ TP HCM |
Về nhận định của phía Hợp tác xã, bà Hòa tiếp tục thông tin: "Họ cho rằng nguyên nhân là do vỡ đường ống dẫn nước. Tuy nhiên từ đó đã có bất cứ ai xuống kiểm tra để biết vỡ ở đâu, chỉ cho chúng tôi biết vỡ chỗ nào đâu? Phải chỉ ra chỗ sai của chúng tôi thì mới đổ lỗi cho chúng tôi được”.
Trao đổi với báo chí sáng 17/5, ông Bùi Văn Năng - Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc cho biết, trường hợp số nước nhà ông Ứng tăng đột biến trong tháng 4/2015 là do hỏng đường ống, hỏng phao dẫn tới nước chảy ra ngoài.
Ông Năng cũng lý giải rằng: “Đường ống nước cỡ phi 15, một tiếng có thể chảy qua đồng hồ được 3 m3. Số đó nhân với 24 tiếng/ngày… thì một tháng có thể lên tới hơn 2.000 m3. Đấy là do gia đình phát hiện và sửa kịp thời chứ không con số còn lớn hơn nữa chứ không phải 1.029 m3”.
Bác bỏ thông tin trên, bà Hòa cho hay: “Nhà tôi chưa bao giờ lên tiếng xác nhận đường ống nước bị vỡ và tiến hành sửa chữa gì hết như lời cán bộ HTX nói".
Vợ chồng bà Hòa trao đổi với báo chí. Ảnh phụ nữ TP HCM |
Phân tích thêm một số vấn đề còn khúc mắc trước sự việc xảy ra, anh Trần Nguyên Khang (con rể ông Ứng) cho rằng: "Kể cả bị thất thoát cũng không đến 1 ngày 30 khối nước. Làm một phép tính đơn giản là 1.000 m3 chia cho 30 ngày thì mỗi ngày phải thoát hơn 30 m3. Phi đường ống là 21, bể nước gia đình 4 khối, muốn chảy đầy bể nước phải mất khoảng 2 tiếng thì làm sao mà thoát hết được", anh Khang lập luận.
Theo bà Hà, khi gia đình tiếp tục thắc mắc số tiền trên, họ đưa ra dẫn chứng một trường hợp khác khi mua đất ở đây, khi tiến hành xúc đất ở ngoài làm vỡ đường ống dẫn nước vẫn phải chịu nộp 40 triệu đồng, nhà tôi còn ít.
Do không có sự minh bạch trong thu chi tiền điện nước, hiện tại ở khu vực gia đình bà Hòa sinh sống có hộ phải lắp 2 chiếc đồng hồ song song, vừa của HTX vừa của đồng hồ gia đình mắc riêng để theo dõi cho chính xác.