Trước diễn biến khó lường của siêu bão Mangkhut, chiều 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó. Cùng tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác triển khai ứng phó với siêu bão Mangkhut, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay trên thế giới đang có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất.
Siêu bão MangKhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía đông Philippines và bắt đầu ảnh hưởng đến Luzon.
Cuộc họp đối phó với siêu bão Mangkhut.
Thông thường, chúng ta biết bão được chia từ cấp 1 đến cấp 12. Cấp 12 được cho là cấp bão cực mạnh, mưa lớn cùng với sức gió mạnh.
Thế nhưng siêu bão Mangkhut lại được dự báo mạnh cấp 17. Vậy bão cấp 17 như thế nào và độ nguy hiểm của chúng ra sao? Trong trường hợp bão ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ và trực tiếp đi vào đất liền nước ta thì sẽ gây nguy hiểm thế nào?
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, với cấp độ 17, siêu bão Mangkhut có sức mạnh tương đương siêu bão Haiyan.
"Năm 2013, bão Haiyan đã đổ bộ và gây thiệt hại cho Philippines như thế nào thì sức tàn phá của bão Mangkhut cũng tương tự như thế", ông Lê Thanh Hải cho biết.
Dự báo, siêu bão sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17, có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9 (Thứ hai tới).
Vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá, bao gồm 27 tỉnh/thành phố.
Bão gây sóng lớn cao 14m ở khu vực Bắc Biển Đông, cao 5m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa Biển Đông. Tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5m.
Khu vực bão đổ bộ có đặc điểm: Là trung tâm kinh tế, xã hội của vùng với số lượng dân tập trung đông; Các hoạt động trên biển, đảo, đới bờ và đất liền với số lượng rất lớn, đặc biệt là du lịch ven biển và trên các đảo, nuôi trồng thuỷ sản; Các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều hoạt động, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất trong các đợt mưa lũ trước đang được khắc phục bước đầu, Lúa đang ở trong giai đoạn trổ bông và chuẩn bị thu hoạch; Hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi có nhiều trọng điểm, xung yếu; các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng và hầu hết hồ chứa khác ở Bắc Bộ đến Nghệ An đã đầy nước.
Dự báo hướng di chuyển của siêu bão Mangkut.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 13 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều mai siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (14/9) ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng mai (15/9) tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông và cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới Việt -Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.
Cảnh báo: Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.