Trong đó, ngành bia cần 17.704 tỷ đồng, rượu 791 tỷ đồng và nước giải khát 8.831 tỷ đồng.
Bộ Công Thương vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. |
Bộ Công Thương vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, sản lượng bia sản xuất sẽ tăng từ 4,1 tỷ lít bia (năm 2020) lên 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và đạt tới 5,5 tỷ lít vào năm 2035. Con số này cao hơn nhiều so với sản lượng bia sản xuất năm 2015 (3,4 tỷ lít).
Đối với sản phẩm nước giải khát, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng từ 6,8 tỷ lít vào năm 2020 lên tới 15,2 tỷ lít vào năm 2035. Riêng sản lượng sản xuất rượu vẫn giữ nguyên ở mức 350 triệu lít trong giai đoạn 2020-2035 nhưng tăng dần lượng rượu sản xuất công nghiệp từ 35% lên 50%.
Đáng chú ý, tổng nguồn vốn cần đầu tư vào toàn ngành bia rượu nước giải khát trong 4 năm tới sẽ cần 27.325 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó, ngành bia cần 17.704 tỷ đồng; rượu 791 tỷ đồng và nước giải khát 8.831 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến tăng lên 28.752 tỷ đồng vào năm 2035. Theo đó, giá trị sản xuất của ngành bia sẽ đạt 90.500 tỷ đồng trong năm 2020 và con số này sẽ tăng lên 167.920 tỷ đồng vào năm 2035.
Nguồn vốn đầu tư dự tính được huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng, vốn từ nguồn phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Cũng theo quy hoạch này, việc sản xuất bia sẽ chuyển dịch theo hướng tăng ở các vùng hiện nay sản lượng còn thấp so với dân số như khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Sản xuất rượu sẽ tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Cửu Long. Vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung sẽ phát triển các loại vang, rượu hoa quả. Các vùng còn lại chủ yếu là rượu trắng và rượu pha chế, kết hợp với tinh chế các sản phẩm rượu làng nghề truyền thống địa phương.
Còn hoạt động sản xuất nước giải khát sẽ được quy hoạch tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phát triển mạnh nước giải khát từ hoa quả tại các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung.