Thuốc BVTV là một phát minh khoa học quan trọng
Phát biểu tại toạ đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 8/12, ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Croplife Việt Nam cho biết, một số phương tiện truyền thông, đặc biệt là các nền tảng mảng xã hội đang truyền tải những những thông tin chưa chính xác, phiến diện và thiếu tính khoa học về thuốc BVTV. Qua đó, khiến công chúng đang nhìn nhận khá tiêu cực về các sản phẩm này, trong khi những đóng góp tích cực mà thuốc BVTV cho nông nghiệp lại không được nhìn nhận đúng mức.
Từ thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Croplife Việt Nam kiến nghị, các cơ quan báo chí thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò phản biện của báo chí là cảnh báo, phản ánh những bất cập về tình trạng lạm dụng thuốc BVTV để cơ quan nhà nước có thông tin trong quá trình rà soát điều chỉnh hệ thống quản lý. Đồng thời, truyền tải các thông tin có kiểm chứng tới cộng đồng và giúp định hình nhận thức đúng đắn và đầy đủ về thuốc BVTV.
“Thuốc BVTV là một phát minh khoa học quan trọng trên thế giới, giúp bảo vệ cây trồng khỏi tác nhân gây dịch bệnh với hướng dẫn và liều lượng cụ thể. Nhiệm vụ của nông dân là sử dụng chúng đúng cách” – ông Bảo nói.
Toàn cảnh Toạ đàm: "An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”, chiều ngày 8/12
Xuất phát từ việc đánh giá cao vai trò của thuốc BVTV, thời gian qua, Croplife cùng nhiều đối tác quốc tế đã triển khai hàng loạt chương trình tập huấn cho nông dân về vai trò của thuốc BVTV và sử dụng thuốc một cách an toàn, hiệu quả kinh tế tại Việt Nam. Các chương trình này được tiến hành thường xuyên và liên tục đổi mới cách tiếp cận, đảm bảo phù hợp với nhu cầu cụ thể của nông dân từng khu vực và tuân thủ các quy định hiện hành: “Hiện rất rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng thuốc BVTV đúng cách, cách ly đủ ngày vẫn có thể xuất khẩu nông sản sang nhiều nước khó tính như Mỹ” - ông Bảo nói thêm.
Đồng quan điểm, đánh giá thuốc BVTV có vai trò lớn trong sản xuất, ông Lê Văn Thiệt - Cục phó Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, trên thế giới và ở Việt Nam, thuốc BVTV vẫn được sử dụng như là một trong những biện pháp để phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trong nông nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế nhất.
Theo ước tính của các nhà khoa học, trên trái đất có khoảng 9.000 loài côn trùng và nhện, 50.000 loài vi sinh vật và 8.000 loài cỏ dại có thể gây hại và làm giảm đáng kể năng suất cây trồng. Trong đó, côn trùng và nhện hại là nguyên nhân làm giảm 14%; vi sinh vật có hại làm giảm 13% và cỏ dại làm giảm 13% năng suất cây trồng (Pimentel, 2009). Tổ chức FAO ước tính tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn Thế giới hiện nay là khoảng 40%. Như vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35-42% (Cai, 2008).
“Nhiều năm qua, công tác BVTV ở nước ta luôn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch hại nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành trồng trọt. Để đạt được thành công nói trên, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của các thuốc BVTV được các doanh nghiệp cung ứng kịp thời với các chủng loại phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Đây là nhân tố quan trọng giúp các địa phương trong cả nước kịp thời ngăn chặn, khống chế và dập tắt nhiều trận dịch hại trên cây trồng, góp phần bảo vệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân” – ông Thiệt thông tin.
Về công tác BVTV, Cục phó Cục BVTV nhấn mạnh, các địa phương trên cả nước đã tăng cường ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM/IPHM), các kỹ thuật “ 3 giảm, 3 tăng", “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến ( SRI), công nghệ sinh thái… với nguyên lý cơ bản là hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thực sự cần thiết. Nhưng IPM không loại trừ thuốc BVTV và thuốc BVTV hiện nay tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành trồng trọt.
Thuốc BVTV là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Ảnh minh hoạ
Sử dụng thuốc BVTV nhưng không lạm dụng
Cũng đánh giá cao vai trò của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) bày tỏ ủng hộ chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững và giá trị cao. Đồng thời, đây sẽ là trụ đỡ rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
“Nông dân là trung tâm của mọi hệ thống sản xuất lương thực, do đó để chuyển sang một hệ thống sản xuất bền vững hơn, nông dân cần được tiếp cận kịp thời và bình đẳng với những giải pháp - công cụ canh tác tiên tiến nhất; làm chủ và sử dụng các công cụ đó một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Và để hỗ trợ họ, cần có các khung pháp lý phù hợp để khuyến khích ứng dụng các giải pháp BVTV mới, duy trì các sản phẩm BVTV hiện có theo cách bền vững với những phương án quản lý và giảm thiểu rủi ro phù hợp” - ông Sơn nói.
Chủ tịch VIPA nhấn mạnh, Việt Nam hiện cũng đang là một mắt xích quan trọng trong nền sản xuất lương thực toàn cầu, hệ thống pháp lý của nước ta cũng cần hài hoà với những tiêu chuẩn và thực hành quốc tế để đảm bảo tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Với góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Vina T&T Group cũng cho rằng, cần tìm giải pháp để đảm bảo sử dụng thuốc BVTV nhưng không lạm dụng, kiên quyết đặt an toàn cho người, vật nuôi và môi trường lên hàng đầu.
Theo Phó Chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam, hầu hết các thị trường nhập khẩu của Việt Nam như đều đang hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Điều này đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn SMETA (thực hành đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội). Tức là người nông dân và doanh nghiệp phải đồng lòng, liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất bền vững, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc BVTV…
“Người tiêu dùng trong nước cần phải có niềm tin vào các sản phẩm trái cây, rau, củ, quả của Việt Nam, vì rất nhiều loại nông sản của chúng ta như sầu riêng, dừa, thanh long, nhãn, vú sữa, bưởi… thành công xuất khẩu sang được các thị trường "khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản” – ông Tùng bày tỏ.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu “Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải đi theo để phát triển bền vững - hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có Nghị định và chính sách mang tính đột phá dành cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và cũng nên có sự khác biệt giành riêng cho từng đối tượng như: nông dân; nhà đầu tư; doanh nghiệp nông nghiệp… Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược và sách lược cho tiến độ sản xuất và cung ứng đầy đủ các chủng loại và sản lượng phân hữu cơ. Ngoài ra, cần sớm có một hệ thống chứng nhận có tính pháp lý, uy tín và được nước ngoài chấp nhận để thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản và mở rộng thị trường”, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới |