Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh: hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước tình trạng biến động giá lương thực do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó chúng ta cần tận dụng thời cơ bằng việc tăng cường sản xuất lúa gạo và nông sản chất lượng cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu.
“Mục tiêu này phù hợp với chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp đến năm 2030 và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Để tận dụng được thời cơ đó, việc sản xuất, sử dụng phân bón và thuốc BVTV hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cần được coi trọng, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khai mạc hội thảo.
Trình bày về thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trung bình giai đoạn 2017-2020, mỗi năm Việt Nam sử dụng 10,2 triệu tấn phân bón công nghiệp cho ngành trồng trọt, trong đó gần 80% là phân bón vô cơ, còn lại là phân bón hữu cơ. So với cách đây 35 năm (1985-1986) - giai đoạn nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, lượng phân bón vô cơ sử dụng đã tăng 6,61 lần trong khi diện tích gieo trồng chỉ tăng 1,68 lần.
Trong khi đó, hàng năm số lượng thuốc BVTV nhập khẩu và sản xuất dao động trung bình trong khoảng 80-100 ngàn tấn/năm, trong đó lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu ước đạt khoảng 15-16 ngàn tấn/năm. So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì Việt Nam là một nước nông nghiệp sử dụng thuốc BVTV đứng thứ 80 trong tổng số 160 nước và ít hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực. Từ năm 1990 đến nay, lượng thuốc BVTV sử dụng giảm dần qua các năm, cao nhất là 4,68 kg/ha năm 1996 và thấp nhất hiện nay là 1,58 kg/ha (hơn 20 giảm sử dụng gần 3 lần).
Theo ông Lê Văn Thiệt, việc lạm dụng phân bón, thuốc hóa học trong trồng trọt còn diễn ra ở nhiều nơi, sẽ dẫn tới hệ lụy: Không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm thu nhập của nông dân mà còn làm giảm giá trị của nông sản; ô nhiễm môi trường đất, nước; ảnh hưởng sức khỏe người dân...
Ông Lê Văn Thiệt - Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật phát biểu tại sự kiện.
Đặc biệt, trong giai đoạn giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao như hiện nay, sẽ làm tăng chi phí và giá thành sản phẩm, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, suy giảm sức sản xuất của đất. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc BVTV còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và hình thành nhiều loài dịch hại mới nổi.
Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón hóa học còn gây phát thải khí nhà kính: Phát thải khí nhà kính từ sử dụng phân bón cũng lên đến 3,4 triệu tấn CO2eq. Chế độ nước và sử dụng phân bón trong trồng trọt có ảnh hưởng rất lớn đến mức phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí N2O và CH4.
“Ngành BVTV đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng phát triển giá trị cho sản phẩm, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học”, ông Thiệt cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Thiệt cũng đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của ngành phân bón và BVTV trong phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về việc sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong chuỗi giá trị nông sản; Chú trọng vào công tác đào tạo và tập huấn cho nông dân, cán bộ nông nghiệp tại địa phương, đại lý phân bón và thuốc BVTV; Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản Việt Nam và truy xuất nguồn gốc, tăng giá trị và uy tín của nông sản Việt.
Quang cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, nhiều tham luận ý nghĩa đã được trình bày. Cụ thể, Tiến sĩ Phùng Hà, Thông thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam với tham luận “Ngành phân bón đối với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”; Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (TARCC) với tham luận “Nền nông nghiệp tuần hoàn”; ông Hồ Đăng Khoa, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Quê Lâm với tham luận “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ”; bà Vân Anh, đồng sáng lập Công ty Khai Minh Việt với tham luận “Enzim và Probiotic trong nông nghiệp theo hướng hữu cơ và phát triển bền vững”; Tiến sĩ Lê Hoàng Kiệt, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau với tham luận “Định hướng sản xuất nông nghiệp xanh”,…
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các doanh nghiệp phân bón và thuốc BVTV đã kết nối, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị với cơ quan chức năng về quản lý sản xuất, sử dụng hiệu quả phân bón và thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia góp ý, hiến kế vào việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam thân thiện và có trách nhiệm với người tiêu dùng.