Sài Gòn ban ngày nóng lắm. Đã nóng lại còn phải vã mồ hôi vì lo toan làm ăn, vật lộn với cơm áo gạo tiền. Nhưng lúc hoàng hôn xuống, đêm trở về Sài Gòn như được lột xác trong bầu không khí lạnh se se. Sài Gòn trở nên dịu dàng dễ thương đến mê đắm. Những ánh điện muôn màu, những làn gió nhẹ từ bến Bạch Đằng làm dịu mát ngày oi bức.
Chợ Lớn, một vùng đất mang đậm nét văn hóa. |
Và người Sài gòn dường như quên tất cả để hưởng thụ. Những quán ăn đêm của Sài Gòn chính là nơi người ta có thể đến để tìm chút hơi ấm ban đêm. Dường như trong cái sự ồn ào tất tả của Sài Gòn ban ngày đầy sinh lực này, người ta mải miết chạy đuổi theo mọi thứ công việc của mình, rồi khi đêm đến, Sài Gòn như lắng lại trong cái se se lạnh làm người con gái phải khoác lên mình chiếc áo khoác mỏng, người con trai chạy xe chậm hơn, nhịp sống Sài Gòn như chậm lại để thư thả. Lúc nầy chính là lúc những đôi tình nhân ngồi bên nhau trong góc các quán cà phê yên tĩnh trải dọc dài trên đường Ðồng Khởi, Nguyễn Huệ hoặc nằm tay nhau thả bộ dọc theo đường Tôn Ðức Thắng, bến Bạch Ðằng rồi vô Chợ Lớn ăn đêm.
Từ rất lâu người ta đã nói ở đâu có khói nơi đó có người Hoa. Câu nói ví von này đã khẳng định sự hiện diện của người Hoa hầu như khắp nơi trên hành tinh. Và ở Sài Gòn khi nhắc đến Chợ Lớn là người ta nghĩ ngay đến là một China Town, Chợ Lớn phố Tàu trong lòng Sài Gòn.
Một quán ăn ở khu Chợ Lớn trước 1975. |
Đó là vùng dân cư ở Quận 5 và một phần đất giáp ranh các Quận 6, 8, 11. Đại lộ Trần Hưng Đạo là con đường huyết mạch và cũng là xương sống nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn. Ban ngày Chợ Lớn ồn ào náo nhiệt người mua kẻ bán tấp nập, mua thứ gì cũng có, bán cái gì người ta cũng mua. China Town, Chợ Lớn phố Tàu trong lòng Sài Gòn, nổi lên thiệt là rõ nét từ khu Đại Thế giới cũ, nay là nhà văn hoá Quận 5 kéo dài trên đại lộ Trần Hưng Đạo gần hai cây số đến tận cuối đường, chấm dứt bởi sự hiện diện của nhà thờ Cha Tam trên đường Học Lạc. Cái chất Chợ Lớn cũ hiện rõ ở đây bởi những dãy phố Tàu xưa trên đường Triệu Quang Phục và Bưu diện Chợ Lớn vốn là nền xưa của Chợ Lớn cũ. Từ đường Học Lạc rẽ sang đường Trang Tử là gặp ngay hình ảnh Chợ Lớn Mới, tiêu biểu là nhà hàng Á Đông, chợ Bình Tây.
Khi thành phố vào đêm, nhà phố trên các con đường ở Chợ Lớn sáng choang ánh đèn. Nhưng đèn Chợ Lớn hoàn toàn khác đèn đêm Sài Gòn. Nếu đèn Sài Gòn cho ta cảm giác dịu mắt bởi đèn màu chủ yếu là gam lạnh trắng xanh, thì đèn đêm Chợ Lớn đủ màu chớp sáng, nổi bật nhất là đèn màu đỏ.
Trong một quán ăn ở khu Chợ Lớn ngày hôm nay. |
“Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, trước năm 1975 người ta hay ví như vậy mỗi khi mổ tả sự dập dìu mua bán, người qua kẻ lại ở chốn phồn hoa đô hội nầy. Từ những năm xa xa người dân miền Nam cũng có câu: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây” hoặc dân Sài Gòn thường kháo nhau lúc trà dư tửu hậu “ăn Quận 5, nằm Quận 3″. Ăn cơm Tàu là ăn ở Quận 5. Ở nhà Tây là các biệt thự của người Pháp để lại ở Quận 3, Quận 1. Sài Gòn là nét đặc trưng về chốn ở sang trọng, các món ăn do người Hoa nấu đầy chất bổ dưỡng béo ngậy, nét đặc trưng của Chợ Lớn khi nói tới những món ăn ngon và bổ dưỡng. Trong các nhà hàng Đồng Khánh, Bát Đạt, Ngọc Lan Đình, Soái Kình Lâm, Ái Huế, Thiên Hồng, Á Đông… khách nườm nượp ra vào lúc màn đêm buông xuống.
Trước năm 1975, hầu như dân Sài Gòn từ giới trung lưu trở lên, mỗi khi tổ chức đám cưới hay mở đại tiệc đều vào các nhà hàng nầy trong Chợ Lớn. Thành phố lên đèn. Phố xá nhộn nhịp. Người qua lại dập dìu. Đêm về cũng là lúc các nhà hàng nầy nườm nượp khách ra vào. Những cô gái mặc áo sườn xám, miệng tươi cười ân cần phục vụ món ăn. Các nhà hàng ở đây được trang hoàng rực rỡ với những ánh đèn nhiều màu sắc. Lễ tiệc long trọng dưới bầu không khí mang đậm phong cách của người Hoa.
Thức ăn trong các nhà hàng ở Chợ Lớn đa dạng, tên các món ăn là những mỹ từ thiệt là cầu kỳ. Vô Chợ Lớn ăn uống, thực khách gọi luôn một lúc cả chục món, ăn chưa hết món trước bồi bàn đã nhanh chóng đem ra bàn món sau. Trên sàn phòng ăn ngổn ngang những đống vỏ bia, coca lon nằm lăn lóc, nhiều khi rượu mạnh một bàn tiệc uống cả vài ba chai loại đắt tiền nhất. (Còn tiếp).