Để tổ chức buổi xin lỗi công khai này, Cơ quan CSĐT-BCA đã mời các đại diện chính quyền, cơ quan liên quan đến tham dự và chứng kiến. Cụ thể, gồm đại diện: Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Tiền Giang, UBND phường Bình Hoà, UBND phường Thảo Điền, quận 2, UBND phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh …
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, về việc kiểm tra xác minh đơn của ông Bùi Mạnh Lân (SN 1957), Chủ tịch Hội đồng quản trị, và ông Phạm Văn Hướng (SN 1954), Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh, yêu cầu Công an tỉnh Tiền Giang xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng trái pháp luật trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 18/9/2000, tại Công ty gas Bình Dương, đã được Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố ngày 3/4/2003. Trong đó, khởi tố 5 bị can, sau đó uỷ thác cho Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Tiền Giang điều tra.
Kết quả xác minh: Trong vụ án nêu trên, ông Bùi Mạnh Lân từng bị tạm giam không có lệnh hợp pháp, từ ngày 07/5/2003 đến ngày 11/6/2003 và từ ngày 27/8/2003 đến ngày 01/9/2003, tổng cộng là 41 ngày. Ông Phạm Văn Hướng bị tạm giam không có lệnh hợp pháp từ ngày 07/5/2003 đến ngày 07/7/2003, tổng cộng 63 ngày.
Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khẳng định, các ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng thuộc trường hợp xem xét giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017.
Thượng tá Đặng Trọng Cường, Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT – Bộ Công an chủ trì buổi lễ và có lời xin lỗi chính thức đến gia đình, cá nhân các ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng. Trong lời phát biểu của mình, Thượng tá Đặng Trọng Cường chính thức thừa nhận các điều tra viên trong vụ án trước đây đã có những sai sót do thiếu thận trọng trong việc xác minh nên đã dẫn đến việc khởi tố, bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng trái pháp luật. Người đại diện của Bộ Công An cũng ân cần chia sẻ những thiệt hại và những mất mát mà Cơ quan CSĐT đã gây ra, và mong mỏi gia đình, cá nhân các ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng chấp nhận lời xin lỗi hôm nay.
Phát biểu chấp nhận lời xin lỗi từ Cơ quan CSĐT– Bộ Công an, ông Bùi Mạnh Lân không khỏi xúc động: ”Đã gần 17 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày hôm đó vẫn đeo đuổi tôi và gia đình cho đến hôm nay. Nội dung của vụ việc, báo chí cũng đã nói nhiều. Những oan khuất của tôi cũng phần nào được thể hiện trong nội dung mà đại diện Cơ quan CSĐT đã trình bày tại buổi lễ hôm nay”.
Ông Lân nói thêm, ông cũng rất xúc động và gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả người thân, các anh chị nguyên là lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các anh chị nguyên là trưởng ban ngành trong tỉnh Bình Dương, bạn bè, đồng nghiệp, cán- công nhân viên của Công ty Hưng Thịnhvì đã tin tưởng, giúp ông vượt qua khó khăn nhất của cuộc đời.
Ông Lân cũng gửi lời cám ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, và các cơ quan chức năng đã nghe được và tôn trọng kiến nghị trong đơn thư của ông và chỉ đạo xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc bồi thường, ông lân cũng xin từ chối với lý do, tiền bồi thường dù trích từ nguồn nào cũng là tiền thuế do người dân đóng góp, mà người dân không có lỗi gì trong sự việc này. Theo ông Lân, danh dự, uy tín của ông, của doanh nghiệp, và gia đình là to lớn không thể tính bằng tiền. “Đối với tôi, không thể có số tiền nào mua lại được những tháng ngày tù tội oan khuất… Những năm qua tôi kiên trì đấu tranh vì công lý và pháp luật, yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết đúng các quy định của pháp luật, và cũng mong mỏi từ nay về sau sẽ còn ít hơn hoặc không còn ai bị bắt bớ, giam cầm oan sai”.
Về phần mình, ông Phạm Văn Hướng cũng không khỏi xúc động khi gửi lời cảm ơn đến các cấp lãnh đạo, ngành , và địa phương đã hỗ trợ động viên các nhân ông và người thân gia đình vượt qua nhưng điều tiếng, oan khuất khi xảy ra sự việc trong suốt 17 năm qua. Ông Hướng cũng ngỏ lời đến Lãnh đạo Bộ Công an và mong mỏi sẽ không còn những oan sai tương tự. Đồng thời kiến nghị xử lý thích đáng lãnh đạo Ban chuyên án vì đã có những quyết định trái pháp luật đối với ông và ông Lân.
Đáp nhận lời xin lỗi, Thượng tá Đặng Trọng Cường Ghi nhận những tâm tư và các thỉnh nguyện của của các Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng và hứa sẽ báo cáo cấp trên những yêu cầu và thỉnh nguyện mà các ông lân và Hướng trình bày.
Được biết, năm 2003, sau khi kết thúc khi vụ án Năm Cam và đồng bọn phạm tội theo kiểu “xã hội đen”. Khi đó, Ban chuyên án vụ án “Năm Cam” nhận được tố cáo về một “nhóm” đệ tử của Năm Cam đã phạm tội kiểu xã hội đen trong một vụ gây rối trật tự công công xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương (khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) vào năm 2000. Người bị tố cáo là các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng.
Công ty Gas Bình Dương do ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Viết Tạo, Phạm Văn Hướng thành lập, có trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An do công ty của ông Bùi Mạnh Lân đầu tư. Năm 2000, ông Nguyễn Viết Tạo và các thành viên khác của Công ty Gas Bình Dương có tranh chấp nên đã kiện nhau ra tòa án để giải quyết.
Trong lúc tòa án thụ lý vụ kiện thì ngày 18/9/2000, ông Đỗ Cao Bằng cùng một số người đến trụ sở Công ty Gas Bình Dương để ngăn giữ ông Tạo “tẩu tán” tài sản. Vụ việc được Công an xã Bình Hòa và Công an huyện Thuận An lập biên bản hiện trường đây là việc tranh chấp nội bộ của công ty, không có xảy ra xô xát. Trong Biên bản, ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh là chủ khu công nghiệp Đồng An cũng ghi rõ, không thấy có hiện tượng gây rối ở đây.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Tạo đã tố cáo các ông Phạm Văn Hướng và Bùi Mạnh Lân là “chân rết” của Năm Cam đã gây ra vụ gây rối trật tự công cộng ngày 18/9/2000.
Ngày 29/4/2003, theo lệnh của trưởng ban chuyên án “Năm Cam”, tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), ông Nguyễn Văn Nên, Phó thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang, (được Bộ Công an điều động tham gia chuyên án điều tra băng nhóm tội Năm Cam) ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng về hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra từ năm 2000 tại Khu công nghiệp Đồng An.
Sau khi bắt tạm giữ các ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng, những người thực hiện việc bắt giữ đã báo cáo vụ việc với VKSND tối cao và đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam. Nhưng đến ngày 28/5/2003, khi đã hết thời hạn tạm giữ theo quy định, VKSND tối cao vẫn từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng. Thế nhưng, Cơ quan điều tra vẫn không trả tự do cho ông Lân và ông Hướng.
Mặc dù hết tháng 5/2003, VKSND tối cao không phê chuẩn lệnh tạm giam nhưng ông Nguyễn Văn Nên vẫn giam giữ trái pháp luật đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng, đồng thời tiếp tục đề nghị VKS tối cao phê chuẩn lệnh giam giữ.
Với việc CQĐT nhiều lần đề nghị phê chuẩn lệnh giam và có sự “bảo lãnh” của tướng Nguyễn Việt Thành nên ngày 11/6/2003, VKS tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Bùi Mạnh Lân và không phê chuẩn lệnh giam đối với ông Phạm Văn Hướng.
Mặc dù Nguyễn Văn Nên biết rõ ngày 11/6/2003 VKS tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Hướng nhưng vẫn không trả tự do cho ông Phạm Văn Hướng.
Ngày 07/8/2003, CQĐT Bộ Công an có Bản kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố các ông Bùi Mạnh Lân và các đồng phạm. Tuy nhiên, ngày 27/8/2003, VKSND tối cao đã có quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giam đối với ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và được Kiểm sát viên đích thân phúc cung và yêu cầu tống đạt ngay các quyết định này cho các bị can, nhưng Nguyễn Văn Nên đã không thực thi.
VKSND tối cao sau đó có quyết định đình chỉ vụ án, vì sự việc xảy ra chỉ là tranh chấp về kinh tế trong nội bộ Công ty Gas Bình Dương, đã được TAND tỉnh Bình Dương giải quyết xong. Vụ việc này không phải là tội phạm theo kiểu “xã hội đen” và càng không có cơ sở xác định những doanh nhân bị bắt là ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng là “đệ tử” của Năm Cam.