Làm nghề gom rác nhiều năm nay, bà Hạnh (Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cho biết để được tham gia vào công việc nơi gia đình đang sinh sống, bà phải tham gia đấu thầu tại Ủy ban nhân dân phường.
“Nghề này cạnh tranh gay gắt, chúng tôi phải vất vả lắm mới có được suất thu gom. Ngoài ra, để đảm bảo được thu gom trong thời gian dài, gia đình tôi phải cam kết mọi tiêu chí, từ ý thức thu gom cho tới số tiền phải nộp lại cho Ủy ban”, bà Hạnh nói và cho biết thêm, trong trường hợp số tiền thu được giảm thì các lần thu rác tiếp theo bà sẽ phải tăng giá thêm vài nghìn đồng mỗi hộ dân để có thêm thu nhập.
Không tham gia đấu thầu như bà Hạnh, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ quận 12) cho biết, ông cùng những người trong xóm trọ đăng ký ở phường để phụ trách thu gom tại hai phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân, sau đó đưa về bãi Hiệp Thành để phân loại, cuốn ép trước khi chuyển đến bãi rác Đa Phước. Thông thường, tổ rác dân lập này của ông phải nộp hai khoản phí cho UBND phường và quản lý bãi rác. Số tiền công nhân thu gom rác thực nhận mỗi tháng chiếm khoảng 90% từ mức phí thu của hộ gia đình.
Mức phí khá hấp dẫn khiến nhiều hộ dân lập đua nhau xin suất thu gom rác. |
Không tham gia theo kiểu gom rác dân lập, chị My - thành viên Hợp tác xã vệ sinh môi trường Thống Nhất cho biết, hợp tác xã phân cho vợ chồng chị cùng vài hộ khác phụ trách thu gom rác của 400 hộ dân trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh). Công việc bắt đầu lúc 17h kéo dài đến nửa đêm, mỗi lượt thu gom đủ rác thì chuyển đến điểm tập kết cho Công ty dịch vụ công ích của quận xử lý.
“Người dân đăng ký giao rác đóng 30.000 đồng một tháng. Vợ chồng tôi tự thu tiền và được hưởng 90%, số còn lại bàn giao cho hợp tác xã”, chị My nói về cách tính phí.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Kim Hoa – Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường Liên Minh cho biết, hằng tháng đều có người của hợp tác xã đến từng hộ gia đình để thu gom rác và tiền phí. Mức thu phí vệ sinh và bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn thành phố được áp dụng theo quy định.
Theo đó, những hộ gia đình sống tại khu vực nội thành phải nộp mỗi tháng 20.000 đồng đối với mặt tiền đường và 15.000 đồng đối với nhà trong hẻm. Tương tự, tại khu vực ngoại thành và vùng ven, mức phí áp dụng lần lượt là 15.000 và 10.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng ngoài hộ gia đình (quán ăn, trường học, cơ sở thương nghiệp nhỏ, cơ quan hành chính sự nghiệp…) chịu phí theo khối lượng rác phát sinh, dao động 60.000-110.000 đồng mỗi tháng. Người gom rác hưởng 90% và HTX nhận 10%. Tuy nhiên, nếu trừ đi chi phí cho người thu tiền (3%), nộp về phường, quận (3%), số tiền thực nhận theo đại diện HTX chỉ khoảng 4% nguồn thu từ các hộ gia đình.
“Chúng tôi vẫn phổ biến mức thu phí theo quy định hiện hành. Khoản chênh lệch không nhiều là phần hỗ trợ của các hộ gia đình cho người trực tiếp gom rác. Vấn đề này được thỏa thuận trước và khi người dân biểu quyết đồng ý thì chúng tôi mới thực hiện”, bà Hoa giải thích.
Cũng là đơn vị tham gia vào hoạt động thu gom rác, nhưng Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP HCM là công ty đầu tiên tham gia vào thí điểm đấu thầu thu gom rác của thành phố. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc công ty cho biết, tham gia đấu thầu từ năm 2008 đến nay, và đang thầu 2 quận là Tân Phú và Bình Tân. Theo đó, công nhân công ty sẽ đến từng hộ dân thu gom rác và chở về các trạm trung chuyển để chở đến nơi xử lý là bãi rác Đa Phước, nhà máy xử lý rác khác Vietstar là và Tâm Sinh Nghĩa.
“Bình quân hai quận này, mỗi ngày công ty thu 300 tấn rác. Số tiền thu được dựa trên số tấn rác thu gom và số km vận chuyển. Với hộ dân, trung bình phí thu gom rác 20.000 đồng một tháng. Riêng với hộ kinh doanh thì có nhiều mức giá khác nhau. Hộ nào có lượng rác lớn thì tính theo kg, có đơn vị phải đóng tới 2 triệu đồng một tháng hoặc hơn. Khi người dân trả phí thì công ty đều cấp biên lai đầy đủ", ông Nhựt nói và cho biết, thực tế mặc dù đấu thầu hai quận trên nhưng công ty vẫn bị cạnh tranh và thiệt hại. Nhiều đơn vị thu gom rác dân lập tự ý đưa ra các mức phí không đúng theo quy định của Thành phố. Chẳng hạn như có những hộ kinh doanh một tháng phải đóng 500.000 đồng, nhưng các đơn vị gom rác dân lập đưa ra mức rẻ hơn để phá giá.
“Chúng tôi chưa thống kê thiệt hại nhưng chưa có cơ quan quản lý nào xử phạt việc làm ăn sai quy định như vậy. Đáng lẽ ra, cơ quan quản lý địa phương nên đi xem các hợp đồng thu gom rác của những hộ dân lập để xem họ có thu đúng đơn giá thành phố không, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh”, ông Nhựt nói.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM, thành phố có hai hình thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn: dân lập và công lập. Có những phường hoặc xã trực tiếp ký hợp đồng với chủ nguồn thải, có nơi thì người thu gom trực tiếp ký hợp đồng, có nơi do hợp tác xã ký và giao cho người thu gom…
Hiện toàn thành phố có gần 500 trạm trung chuyển rác. Toàn bộ chất thải được các hộ thu gom, đơn vị thu gom vận chuyển đến các trạm trung chuyển. Sau đó, từ các trạm trung chuyển, Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Thành phố và 22 công ty dịch vụ công ích, Hợp tác xã công nông sẽ đảm nhận di chuyển tới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) ở huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP HCM gần 20 km, do Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư, hoặc đưa đến nhà máy xử lý rác Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa. Toàn bộ chi phí vận chuyển này do TP HCM chi trả.
Thống kê của Sở này cho thấy, 60% khối lượng chất thải rắn của TP HCM do hệ thống thu gom dân lập thực hiện; 40% còn lại do các hợp tác xã và công ty dịch vụ công ích đảm nhận. Toàn TP HCM có hơn 200 xe tải nhỏ, 1.000 xe 3 bánh và 4 bánh tự chế để thu gom chất thải rắn. Có 4.000 người thu gom chất thải rắn dân lập và 1.500 người thu gom trong các hợp tác xã, công ty dịch vụ công ích.
TP HCM có hơn 7.000 tấn rác một ngày. Bãi rác Đa Phước đang xử lý 5.000 tấn mỗi ngày và trở thành nơi duy nhất chôn lấp rác của thành phố. Số còn lại được xử lý làm phân compose ở Phước Hiệp (do công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa đảm nhận).