Một gian hàng tại Huber’s Butchery, cửa hàng đầu tiên trên thế giới bán các loại thịt nuôi trồng. Ảnh: New York Times
Những ngày gần đây, ai ghé thăm cửa hàng Huber's Butchery ở Singapore sẽ có dịp thưởng thức món taco nhồi thịt gà xào, bơ, pico de gallo và rau mùi. Đáng chú ý, loại thịt của món ăn này chỉ có 3% thành phần đạm lấy từ tế bào của gà, và phần còn lại hoàn là đạm thực vật.
“Nó có vẻ ngoài, cách chế biến và mùi vị như thịt gà”, một thực khách cho hay. “Tôi thích ăn thịt, nhưng nếu làm điều này mà không phải sát sinh thì thật là lý tưởng”.
Cách đây 2 tháng, Huber's Butchery đã đi vào lịch sử lương thực của nhân loại khi là cửa hàng đầu tiên trên thế giới bày bán các loại thịt được nuôi cấy trực tiếp từ phòng thí nghiệm cho công chúng.
Thực tế, đó chỉ là một phần trong kế hoạch mà Singapore đã tiêu tốn hàng triệu USD để tìm ra các giải pháp tự cung tự cấp thực phẩm kiểu mới. Trong bối cảnh quỹ đất quá hạn hẹp và có tới 90% nguồn cung lương thực đến từ nhập khẩu, đảo quốc này đang tạo điều kiện tối đa những startup tự nuôi trồng thịt trong phòng thí nghiệm.
Theo Josh Tetrick, đồng sáng lập Eat Just – nơi cung cấp các sản phẩm thịt nuôi trồng cho Huber's Butchery, ý tưởng phổ biến loại thực phẩm này một cách rộng rãi vốn bị xem là điều viển vông. Do đó, việc Singapore đạt được thành tựu như trên có ý nghĩa mang tính toàn cầu.
“Người Singapore luôn thể hiện sự cởi mở đáng kinh ngạc đối với những công nghệ mới trong thực phẩm cùng các lĩnh vực khác, khiến nơi đây trở thành thị trường hoàn hảo cho các loại thực phẩm mới như thịt nuôi trồng”, ông Tetrick khẳng định.
Món Taco nhân thịt gà nuôi trồng được phục vụ ở Huber’s Butchery. Ảnh: New York Times
“Miền đất hứa” của thịt nuôi trồng
Là quốc gia đầu tiên cho phép thương mại hóa các loại thực phẩm được tạo ra từ phòng thí nghiệm, hay thịt nuôi trồng, Singapore đã “bật đèn xanh” cho việc sản xuất nhiều loại thực phẩm giàu protein khác từ các thành phần không phải tế bào động vật.
Động lực cho những giải pháp trên được cho là xuất phát từ tâm lý bất định về tương lai của đa số người dân Singapore. Ở đảo quốc này, nước ngọt từng là mối quan tâm hàng đầu, nhưng giờ đây, thực phẩm mới là nỗi lo lớn nhất. Điều này càng được củng cố ở thời kỳ đại dịch Covid-19, khi Malaysia, một trong những nguồn cung thực phẩm lớn nhất của Singapore, từng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gà sang nước láng giềng.
Cho đến nay, Chính phủ Singapore đã đầu tư khoảng 230 triệu USD cho lĩnh vực sản xuất thực phẩm protein thay thế, từ tài trợ việc đào tạo các nhà nghiên cứu đến xây dựng năng lực xử lý sinh học và các công nghệ bổ sung khác. “Singapore đầu tư rất nhiều vào việc đưa chuyên môn công nghệ vào các cơ quan quản lý của chính phủ. Điều đó giúp họ có thể ứng dụng nhiều công nghệ mới một cách nhanh chóng và an toàn”, chuyên gia Simon Eassom, giám đốc điều hành nhóm chuyên gia Food Frontier từ Australia, nói với trang tin Rest of World.
Bên cạnh đó, việc đi đầu xu hướng phát triển thịt nuôi trồng còn đưa Singapore trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn đặt chân vào lĩnh vực mới mẻ này. Quốc gia Đông Nam Á hiện là mảnh đất màu mỡ cho hàng chục startup nội địa, cùng khoảng 15 startup sản xuất protein thay thế khác từ Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Israel và Hong Kong (Trung Quốc).
Theo George Peppou, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Vow - công ty sản xuất thịt chim cút nuôi trồng, Singapore là “địa điểm hoàn hảo” cho các thử nghiệm. Cùng với đó, tốc độ cấp phép nhanh nhạy của chính phủ là “lý do thúc đẩy” Vow đầu tư vào đảo quốc này. Chuyên gia Simon Eassom cho biết, việc xử lý các đơn đăng ký của doanh nghiệp nước ngoài ở Singapore chỉ mất một nửa, thậm chí 1/3 thời gian so với ở Australia hoặc Mỹ.
Dù sự đầu tư vào các nước khác có thể lớn hơn, theo Mirte Gosker - Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute Asia Pacific, “một trong những thế mạnh lớn nhất của Singapore là có một cộng đồng đổi mới chặt chẽ, tạo điều kiện cho sự hợp tác liền mạch giữa các startup, nhà nghiên cứu và cơ quan chính phủ”.
“Là một quốc gia nhỏ với nguồn tài nguyên hạn chế, Singapore không thể một mình nuôi sống cả thế giới. Tuy nhiên, nước này là nơi các công ty trên thế giới có thể đển để hợp tác với các cơ quan nghiên cứu cùng những đối tác công nghệ thực phẩm hàng đầu để cải tiến công thức, loại bỏ những bất cập trong quy trình sản xuất, đồng thời tìm ra những yếu tố và công nghệ mới giúp giảm giá thành”, bà Gosker nhận định.
Nhà khoa học đang kiểm tra một số mẫu tế bào nuôi cấy tại Esco Aster, điều hành hệ thống lò phản ứng sinh học phục vụ sản xuất thịt nuôi trồng ở Singapore. Ảnh: New York Times
Rào cản giá thành
Là một giải pháp mang tính đột phá, song không giống với thực phẩm chay, thịt nuôi trồng còn khá chật vật để có thể phổ biến với người tiêu dùng. Dù có những ưu điểm như tốn ít đất trồng và nước hơn, chi phí tốn kém và khó mở rộng quy mô sản xuất khiến loại thực phẩm này gặp khó khăn để thu hút các nhà đầu tư.
Hiểu được điều này, Chính phủ Singapore cũng tập trung vào việc duy trì khả năng tồn tại của của thịt nuôi trồng trên thị trường. Cơ quan Thực phẩm Singapore cho biết, một trong những tham vọng của họ là giảm chi phí sản xuất thịt nuôi trồng từ 120 USD/kg xuống còn 6-17 USD/kg cuối thập kỷ này.
Một số người như Xiangliang Lin, giám đốc công ty Esco Aster chuyên điều hành hệ thống lò phản ứng sinh học phục vụ sản xuất thịt nuôi trồng, kỳ vọng ở thời điểm đó, giá thịt gà nuôi trồng sẽ chỉ còn 30 USD/kg. Nhưng để điều đó xảy ra, theo ông Lin, cần có sự hợp tác công-tư trên diện rộng như trường hợp của Gavi - tổ chức giúp hạ giá thành vaccine nhờ việc mua chúng với số lượng lớn và phân phát cho những nước đang phát triển.
“Còn rất nhiều việc phải làm để chứng minh thịt nuôi trồng có thể được sản xuất ở quy mô lớn. Nhưng trong năm nay, chúng tôi sẽ bán được nhiều khẩu phần thịt gà nuôi trồng hơn các năm trước”, Andre Huber, giám đốc điều hành Huber's Butchery, nói với Rest of World. “Chúng tôi đều bán sạch các sản phẩm mới được cung cấp, và các phản hồi đều rất tích cực”.