Trong hội chợ, còn có những gian hàng bán quần áo đổ đống nhếch nhác. |
Hàng hóa bát nháo
Hội chợ này được tổ chức từ ngày 12 - 18/10, có trên 300 doanh nghiệp với trên 500 gian hàng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh, hội chợ sẽ đóng cửa vào ngày 17/10, sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch ban đầu. Tối ngày 16/10 họi chợ đã không được bán vé vào cửa như trước.
Theo ông Hà, lý do đóng cửa hội chợ sớm hơn ngoài vấn đề an ninh trật tự không đảm bảo còn do phát hiện một số gian hàng bán nhiều mặt hàng nhái, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhiều quầy hàng tại hội chợ bán sản phẩm đồng giá rẻ khiến người mua e ngại về chất lượng sản phẩm. |
Trước đó, chiều 14/10, đội quản lý thị trường TP. Hạ Long kiểm tra quầy kinh doanh đồ điện gia dụng của anh Bùi Duy Chiến (35 tuổi, trú tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), phát hiện nhiều máy sấy tóc, ấm đun nước siêu tốc và nồi cơm điện có dấu hiệu giả nhãn hiệu Panasonic.
Tại gian hàng giày dép của anh Đỗ Văn Thủy, đơn vị này cũng phát hiện 56 đôi dép trẻ em giả nhãn nhiệu Chanel. Tại quầy giày dép do anh Ứng Hồng Sơn làm chủ, có 200 đôi giày nhái thương hiệu nổi tiếng.
Lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý, đồng thời dẹp bỏ một số gian hàng bói toán, xem tướng...
Gian hàng bán đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc, giá khá rẻ. |
Tối 14/10, phóng viên Thanh Niên mua 20.000 đồng/vé vào hội chợ. Mức giá này đã giảm khi trước đó giá mỗi vé vào cửa là 30.000 đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc lối đi ở khu vực trung tâm hội chợ có hơn 50 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) của 14 địa phương tỉnh Quảng Ninh. Những gian hàng này được ưu tiên, không phải mất phí thuê mặt bằng.
Tuy nhiên, các sản phẩm tại gian hàng OCOP của một số địa phương trưng bày cho có, khi lèo tèo vài loại hàng sắp xếp sơ sài. Gian hàng OCOP của TP. Uông Bí chủ yếu bán các sản phẩm về thảo dược. Cầm gói giảo cổ lam, xạ đen lên xem, chúng tôi được một nữ nhân viên giới thiệu đây là sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Nam dược Y Võ (địa chỉ ở khu Bạch Đằng, phường Phương Nam, TP.Uông Bí).
Mặc dù nằm trong gian hàng OCOP nhưng theo lời người bán hàng này thì sản phẩm được lấy từ Sa Pa về phân phối, không phải là sản phẩm riêng biệt, tiêu biểu của TP. Uông Bí. Khi định mua gói xạ đen trọng lượng 0,5 kg với giá 55.000 đồng, chúng tôi phát hiện trong túi còn có một vỏ ốc khá to.
Gói xạ đen ở gian hàng OCOP TP. Uông Bí được giới thiệu nhập từ... Sa Pa. |
Phía sau gói xạ đen có một vỏ ốc (khoanh đỏ). |
Gian hàng OCOP của huyện Hải Hà có vài khúc mía tím để cạnh máy ép nước mía, những túi gạo lứt trọng lượng 2kg có bao bì nhem nhuốc, không có hạn sử dụng, đóng gói không đồng bộ, túi thì hút chân không, túi thì đóng bình thường. Thậm chí, một bình nhựa được dán giấy ghi là “mỡ trăn rừng” đặt cạnh mấy chai mật ong đã khiến nhiều người đi qua đặt câu hỏi về việc giết hại động vật hoang dã.
Bình mỡ trăn rừng trong gian hàng OCOP huyện Hải Hà khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc giết hại động vật hoang dã. |
Hơn 3 giờ đi từng gian hàng, chúng tôi nhận thấy các gian hàng bán quần áo , giày dép chiếm khá nhiều trong số hơn 500 gian hàng của hội chợ. Nhiều quầy hàng đổ quần áo thành từng đống rồi quảng cáo “giá cực sốc”, “giá rẻ như bèo”, 3 áo sơ mi có giá 100.000 đồng. Những sạp hàng bán các đồ gia dụng đồng giá ở mức… 10.000 đồng.
Một số gian hàng bán đồ chơi trẻ con có xuất xứ Trung Quốc. Có cả quầy trồng răng giả, khám chữa răng trưng biển quảng cáo của chuyên gia Đài Loan tên Lục Hữu Trường. Trên sạp của gian hàng này, ngoài một số răng giả còn bày bán lọ thuốc in chữ Trung Quốc lem nhem, thậm chí không có tem mác.
Gian hàng trồng răng giả, khám chữa răng được quảng cáo của chuyên gia Đài Loan Lục Hữu Trường. |
Gian hàng này khá sơ sài, bày nhiều lọ thuốc tem mác lem nhem, không có nhãn mác. |
Chị Trần Thị Tâm (nhân viên văn phòng ở TP.Hạ Long) bày tỏ sự thất vọng khi không tìm thấy những mặt hàng chất lượng tốt. “Nghe tên sự kiện là hội chợ thành tựu kinh tế tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều sản phẩm tốt lắm nhưng đến mới thấy trái ngược hoàn toàn. Tìm mỏi mắt không thấy sản phẩm nào là thành tựu nổi bật của doanh nhân trẻ, nhìn không khác gì phiên chợ quê ở vùng hẻo lánh”, chị Tâm nói và cho biết thêm tình trạng "chặt chém" tiền gửi xe tới 10.000 đồng/xe máy trong khi giá in trên vé là 5.000 đồng.
Rác thải không gom kịp thời nên tràn lan ra lối đi. |
Ca sĩ "phơi ngực" khi hát, cán bộ Sở bị đánh
Trong chương trình ca nhạc tại hội chợ diễn ra vào tối 12.10, nữ ca sĩ Linh Miu đã bị lộ vòng 1 phản cảm trong lúc hát. Ngày 13/10, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ra công văn gửi Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm việc này. Phía Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã có hình phạt cấm nữ ca sĩ này biểu diễn trên địa bàn tỉnh, ít nhất trong thời gian diễn ra hội chợ.
Ca sĩ Linh Miu lộ vòng 1 khi hát tại hội chợ tối 12/10. Ảnh cắt từ clip. |
Cũng tại hội chợ này, chiều 13/10, anh Bùi Văn Trung, Trưởng phòng kế hoạch của Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường thuộc Sở TN-MT Quảng Ninh, đã bị một nhóm người được cho là bảo vệ trông xe hội chợ hành hung tới bất tỉnh.
Nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn về thu tiền đỗ xe ô tô của anh Trung. Khi anh đỗ xe ô tô sát lề đường khu vực đối diện Cung triển lãm và quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thì bị một nhóm người mặc trang phục bảo vệ cầm gậy đến gõ vào đầu xe và đòi tiền trông xe. Tuy nhiên, anh Trung không đồng ý vì cho rằng khu vực này không phải là bãi đỗ xe đã được chính quyền cấp phép, nên không thể thu phí tùy tiện. Nhiều thanh niên đã kéo đến chửi bới, hành hung anh Trung tới ngất xỉu. Anh phải nằm điều trị tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.