Theo thống kê sơ bộ, đến cuối chiều ngày 15/9, tại Kỳ Anh có khoảng 25.000 nhà dân bị tốc mái; nhiều công trình công cộng như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan bị sập đổ, hư hại mái che, mái nhà để xe.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại Hà Tĩnh. (Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Toàn huyện có 5000ha cây gỗ nguyên liệu (keo, tràm và cây ăn quả) bị đổ gãy; 150 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bi thiệt hại; hệ thống đê điều, giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó đoạn đê đi qua thôn Nam Hải (Kỳ Hải) bị sạt lở nghiêm trọng...
Sau khi nghe lãnh đạo huyện Kỳ Anh, ngành chức năng báo cáo công tác triển khai phòng chống bão số 2, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tâm bão đã di chuyển nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn với nhân dân Hà Tĩnh nói chung, huyện Kỳ Anh nói riêng, đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao độ để ứng phó, không chủ quan với diễn biến tiếp theo của mưa lũ.
"Trước mắt tập trung thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, đồng thời ưu tiên hỗ trợ thuốc men, lương thực để người dân ổn định cuộc sống; sớm khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất", Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến hoàn lưu sau bão để tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng nguy hiểm.
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng Hà Tĩnh, đến chiều 15/9, mưa bão đã khiến trên 62.500 nhà dân bị đổ, tốc mái, nặng nhất là TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; 29 thôn với gần 4.700 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông bị ngập.
Đặc biệt, Quốc lộ 1A qua thị xã Kỳ Anh bị ách tắc nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại.