Từ trái qua: Ông Đỗ Thanh Bình, bà Phan Thị Thu Hiền và ông Trần Hữu Minh. Ảnh: Gia Chính
"Nhiều lái xe nói rằng, biết uống rượu bia khi lái xe là sai, nhưng văn hóa ở Việt Nam không thể tránh được, ông Trần Hữu Minh nghĩ gì về văn hóa này?"
Đó là câu hỏi của độc giả Phạm Công Chức (41 tuổi) gửi tới đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ và ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - ba vị khách mời tại cuộc tọa đàm trực tuyến do báo điện tử VnExpress tổ chức sáng 7/5.
Trả lời, TS Trần Hữu Minh cho biết, tong khảo sát cách đây 2-3 năm, tôi thấy tới 90% khách hàng tiếp tục lái xe sau khi uống rượu bia, dù biết là sai. Các thành viên trong gia đình thấy người nhà say nhưng vẫn không ngăn cản.
Nhưng những thói xấu trên không phải bất biến. Tại các quốc gia phát triển ở thập kỷ 70-80, lái xe say xỉn là vấn nạn rất lớn. Sau nhiều thập kỷ mạnh tay xử phạt đi kèm tuyên truyền rộng rãi, ý thức người dân mới thay đổi. Nhưng để có kết quả, chúng ta phải kiên trì và quyết tâm, không thể một sớm một chiều.
"Văn hóa rượu bia là vấn đề tồn tại đã lâu, nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vào phần ngọn thì sẽ không thể giải quyết triệt để. Ta cần chăm chút phần gốc, thông qua việc đào tạo ý thức, tăng nhận thức về trách nhiệm xã hội, bình đẳng giới (để phụ nữ có tiếng nói phản bác hành vi rượu bia ngay nếu cần), kiểm soát tác hại rượu bia", ông Minh nói.
Độc giả Lương Thành Công (35 tuổi) đặt câu hỏi "Cá nhân ông/bà đã bao giờ lái xe khi có hơi men trong người?".
Trả lời, TS Trần Hữu Minh chia sẻ: “Từ lâu, tôi đã không còn lái xe sau khi uống rượu bia vì ý thức được mình phải làm gương cho người dân. Sau lần tôi ngã xe máy khi đi qua bãi cát cách đây 20 năm, cũng là lần cuối cùng tôi uống rượu bia và lái xe”.
Theo TS Minh, tâm lý người say xỉn thường giống nhau, tự tin thái quá trong khi thực tế không như vậy. Khoa học chứng minh chỉ cần một ly rượu nhỏ, nồng độ cồn trong máu đã rất cao, phản xạ bắt đầu giảm đi đáng kể. Nếu tiếp tục uống, rủi ro va chạm sẽ rất lớn.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết: Trong cuộc sống có những lúc chúng ta tham gia uống rượu bia. Khi còn trẻ, tôi cũng có những sai lầm, nhưng đã nhận ra. Với trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ, chúng tôi luôn ý thức được rằng một khi đã xác định uống thì phải đi taxi hoặc xe ôm.
Uống rượu bia còn ảnh hưởng đến sức khỏe chung của xã hội. Chi phí chữa trị các bệnh liên quan đến uống rượu bia quá lớn. Bên cạnh đó là vấn đề an ninh trật tự, nhiều vụ ẩu đả và án mạng đã xảy ra.
"Khi còn trẻ, bị ép uống, một người có thể uống với suy nghĩ để thể hiện bản lĩnh đàn ông. Tuy nhiên, càng trưởng thành, chúng ta càng cần có trách nhiệm với bản thân và gia đình", ông Bình nói.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, ở Việt Nam, văn hóa sử dụng rượu bia trong các cuộc vui là rất phổ biến. Là phụ nữ, tôi ấn tượng không tốt với người say rượu.
Dù tác hại của rượu bia là quá rõ ràng, song bà Hiền cho biết, năm 2008, chúng ta mới đưa ra Luật giao thông đường bộ cấm tuyệt đối khi điều khiển ôtô, còn người điều khiển xe máy có nồng độ nhất định. Năm 2015, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới ở mức độ cao, sau thời gian dài có tác dụng tốt thì từ đầu năm đến nay đã có 50.000 vụ vi phạm.
Do đó, việc cần phải làm ngay là điều chỉnh pháp luật. “Đặc biệt là việc tuyên truyền, mỗi người chúng ta có bạn bè, người thân, cần truyển tải đến tất cả mọi người. Chúng ta thuyết phục nhau là việc có thể làm ngay”, bà Hiền nói.
Hãy cung cấp bằng chứng việc CSGT xử chưa nghiêm
Chia sẻ băn khoăn của độc giả Lê Văn Luyện (22 tuổi) về việc có một thực tế là nhiều cảnh sát giao thông không nghiêm, khi tài xế xin xỏ, hoặc "đút lót" thì cho qua, dẫn đến nhiều người có tiền, quyền không sợ, cố tình vi phạm..., Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: "Việc tuần tra của chúng tôi phải theo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện giám sát đầy đủ, bạn nào nói chưa nghiêm hãy gửi bằng chứng để chúng tôi xử lý. Còn đây là hoạt động tập thể, không thể một cá nhân lợi dụng vi phạm được. Còn thực tế có “cầu cứu” không? Có người sẽ “cầu cứu”, thực tế vẫn bị xử phạt”.
Ông Bình kể, thực tế cho thấy việc xử lý vi phạm hành chính vi phạm giao thông không được công khai danh tính, trong khi nhiều CSGT cho rằng nếu được công khai thì mức mức răn đe sẽ cao hơn. “Nếu người vi phạm có địa vị xã hội, nổi tiếng thì áp lực xã hội lớn. Chứ hiện nay chúng ta không được công khai danh tính mức xử phạt người vi phạm giao thông”, ông Bình thông tin.
Đề cập đến phát biểu của Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT nói “việc chặn tài xế vi phạm nồng độ cồn trước quán bia là phản cảm”, một độc giả thắc mắc vì sao không ngăn chặn “ma men” để trừ hậu họa mà lại lo “phản cảm”, Đại tá Bình cho hay: “CSGT chúng tôi chưa bao giờ lập chốt ngay trước nhà hàng, mà địa điểm là trên một tuyến đường nhất định. Hàng quán ở Việt Nam quá nhiều, chúng tôi không thể xác định tập trung vào quán nào.
Khi lập chốt, chúng tôi cần tính toán để dừng phương tiện mà không gây ra ùn tắc, đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi và người tham gia giao thông. Chúng tôi không nhắm vào đối tượng vi phạm là chủ nhà hàng”.
Cũng theo Đại tá Bình, có một cách hay là khi dừng đèn đỏ, chúng ta có thể kéo dài thêm thời gian đèn đỏ để cảnh sát kiểm tra ngẫu nhiên một số người tham gia giao thông, như một số nước khác đã thực hiện.
Tăng mức xử phạt hành chính
Nhiều người đề xuất tăng mức phạt bổ sung như lao động công ích, phạt tù với lái xe say rượu, tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện, ông/bà có ý kiến thế nào?
Trả lời, bà Phan Thị Thu Hiền (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ) cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp các đơn vị liên quan sửa đổi Nghị định 46, theo hướng tăng mức xử phạt hành chính với vi nghiêm trọng nồng độ cồn, ma túy như chỉ đạo của Chính phủ".
Vấn đề tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, việc này không chỉ nhìn nhận dưới góc độ Luật Giao thông đường bộ, ở đây giấy phép lái xe còn là giấy phép hành nghề. Hoặc chúng ta muốn phạt tù tài xế vi phạm nồng độ cồn thì phải có đủ hành vi. Ngoài ra, việc tịch thu phương tiện cũng đang được nghiên cứu.
"Chúng tôi rất vui khi người dân đồng thuận nâng mức xử phạt vi phạm với vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, và sẽ nhanh chóng có dự thảo để đưa ra công luận góp ý kiến. Tôi nghĩ đây là các quy định ảnh hưởng đến đông đảo người dân, do vậy phải nhìn đa chiều, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội", bà Hiền nói.
Khuyến cáo người dân nếu nhìn thấy một người say rượu mà cố tính lái xe, bản thân lại không thể ngăn họ, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, người dân có thể gọi đến đường dây nóng của Cục CSGT để ngăn người này lại, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, theo số: 0692342608. |