Kết quả giám sát trước mắt cho thấy, Quy hoạch 165 vừa lạc hậu, không phù hợp với thực tế hiện nay, vừa gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế triển khai.
Khác xa thực tế
Quy hoạch 165 được xây dựng khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính. Những dự báo khi đó không tính đến con số xe cơ giới cụ thể mà chỉ cho rằng, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 2,5 triệu dân. Nhưng thực tế khác quá xa tính toán, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008). Đến năm 2011, dân số Hà Nội tăng lên gần 6,7 triệu người, với gần 4 triệu xe cơ giới; năm 2016 là trên 7,5 triệu người với trên 5,5 triệu xe cơ giới. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đánh giá: “Quy hoạch 165 đã không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính”. Thế nhưng, dù đã cho thấy sự “khập khiễng” với thực tại, Quy hoạch 165 vẫn được áp dụng cho đến tận bây giờ để làm căn cứ tính toán, xác định nhu cầu quỹ đất, quỹ sàn dành cho chỗ đỗ xe trong các đồ án quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu.
Bãi đỗ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng |
Ngay trong việc thực hiện Quy hoạch 165 cũng cho thấy sự ì ạch, bất ổn ở tất cả các địa phương liên quan. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Huy Quang cho biết, theo Quy hoạch 165, Tổng Công ty được giao thực hiện dự án Bến xe tải phía Bắc (Yên Viên, Gia Lâm) từ năm 2012 với quy mô 10ha. Tuy nhiên, dự án đang phải tạm ngừng do không được kết nối trực tiếp vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đồng nghĩa với việc sẽ không có hiệu quả. Hay như quận Ba Đình, theo Quy hoạch 165, đến năm 2020 phải xây dựng xong 7 bãi đỗ xe, nhưng 14 năm sau khi ban hành Quy hoạch, mới xây dựng được 2 bãi.
Còn tại quận Cầu Giấy, bãi đỗ xe trên phần cống hóa mương Nghĩa Đô, đoạn từ công viên Nghĩa Đô - đường Hoàng Quốc Việt đúng theo Quy hoạch 165 nhưng lại biến tướng thành cửa hàng, xưởng sửa chữa… Hoặc Bãi đỗ xe tại 5 lô đất số: DX1, DX2, DX3, DX4, CX2, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, có 2 lô DX3, DX4 đã bị chủ đầu tư biến thành nhà hàng, quán ăn. Hoặc quận Đống Đa cũng có điểm đỗ xe trên đường Nguyễn Chí Thanh với quy mô 15.840m2 sàn đỗ nhưng hiện tại đã biến thành chung cư M5 và chỉ có tầng hầm để đỗ xe cho cư dân của tòa nhà thay vì một bãi đỗ xe công cộng cao tầng.
Vì đâu nên nỗi
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Đức Hoạt nhìn nhận, do nhiều yếu tố khách quan như các dự án bến, bãi đỗ xe trong Quy hoạch 165 mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết; thay đổi địa giới hành chính (năm 2008), thay đổi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (năm 2011), công bố Quy hoạch GTVT Thủ đô (năm 2016)… nên Quy hoạch 165 gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực tế. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân chủ quan khiến việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án bến, bãi đỗ xe chậm chạp, thiếu hiệu quả. Ví dụ như công tác GPMB, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc; đầu tư lớn, tốc độ thu hồi vốn chậm, không hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế nhưng vẫn đề xuất nghiên cứu dự án để giữ đất chứ chưa thực sự triển khai. Đơn cử như Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, đã đề xuất dự án Bãi đỗ xe ngầm vườn hoa Vạn Xuân từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn trong quá trình “điều chỉnh lại phương án thiết kế kỹ thuật”. Hay dự án điểm đỗ xe ngầm tại Trung tâm thương mại và dịch vụ Ngọc Khánh (Ba Đình) đã được Công ty CP Vật tư và dịch vụ kỹ thuật Hà Nội đề xuất từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn vướng GPMB chưa thể thực hiện.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, các cơ quan chuyên môn chưa làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình thực tế; chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để UBND TP có những điều chỉnh phù hợp đối với Quy hoạch 165, nhất là từ sau khi mở rộng địa giới Thủ đô. Bên cạnh đó, Chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn chưa chú tâm vào công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, để xảy ra nhiều sai phạm trong sử dụng đất như ở dự án cống hóa mương Nghĩa Đô, bãi đỗ xe DX3, DX4 khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng… Dẫn đến tình trạng công trình sai quy hoạch cứ đua nhau mọc trên đất dành cho giao thông tĩnh, khiến quỹ đất vốn đã eo hẹp lại càng chậm tăng trưởng. Trong khi phương tiện giao thông của Hà Nội tăng trưởng trên 10%/năm thì quỹ đất dành cho giao thông tĩnh tăng trưởng chưa đến 1%/năm. Có thể nói, Quy hoạch 165 đã thực sự thất bại cả về mục tiêu định hướng lẫn thực tế triển khai.
Theo Quy hoạch 165, đến năm 2020 Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82ha. Nhưng trên thực tế, đến hết năm 2016 mới bố trí được 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị. Hiện các dự án bãi đỗ xe cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, giá trông giữ xe thấp, tốc độ thu hồi vốn chậm. Nếu không có cơ chế linh hoạt, ưu đãi sẽ rất khó thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa vào hạng mục này. Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên |
(Còn nữa)