Xử lý nhiều vi phạm
Thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện thanh tra; hậu kiểm các Kết luận thanh tra trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công trên địa bàn.
Theo Báo cáo tổng kết Chương trình 05-CTr/TU và 30 Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thay mặt Liên ngành báo cáo UBND Thành phố, tổng số vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công tại 30 quận, huyện, thị xã đến thời điểm thanh tra (30/6/2018) là 62.624 trường hợp với diện tích bị vi phạm là 1.895,12 ha.
Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng tạo xung lực, sức bật để Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ (Ảnh: Lại Tấn)
Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, tính đến 31/12/2022 đã xác định số vi phạm còn phải xử lý là 26.696 trường hợp với diện tích 675,1382ha. Kết quả xử lý, khắc phục từ 1/1/2023 đến 31/12/2023 được 2.596 trường hợp với diện tích 74,2579ha, đạt 9,7% so với kỳ báo cáo năm 2022; nâng kết quả xử lý được 38.524 trường hợp với diện tích đất vi phạm đã khắc phục là 1.294,24ha, đạt 61,52% số trường hợp vi phạm phải được xử lý, khắc phục theo Kết luận thanh tra.
Ghi nhận của Ban Chỉ đạo Chương trình số 05-CTr/TU, việc xử lý kiên quyết các vi phạm tại một số địa phương đã tích cực ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh, việc xử lý đối với các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích tại các quận, huyện, thị xã cơ bản được kiểm soát, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công, nhiều địa phương đã khai thác có hiệu quả đối với diện tích đất sau khi xử lý vi phạm.
Điển hình là một số địa phương đã xử lý dứt điểm các vi phạm như: huyện Đan Phượng, huyện Phú Xuyên đã xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất công ích; Một số địa phương có kết quả xử lý đối với các vi phạm đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP như: huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Tây Hồ, Thường Tín, quận Thanh Xuân,... Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục thanh tra, hậu kiểm tổng hợp tham mưu UBND TP chỉ đạo xử lý dứt điểm những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất công, đất nông nghiệp.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đất
Theo TS Nguyễn Khánh Ly - Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, với mục tiêu tổng quát: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, tạo sự chuyển biến trong hành động, trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bền vững, UBND TP đã có Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 5/5/2023, với các nội dung quan trọng về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực đất đai.
Nhờ đó, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã bảo đảm toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Công tác quản lý đất đai tại các địa phương đã có sự chuyển biến quan trọng. Nhiều huyện đang từng bước hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, bản đồ giá đất; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai hiện đại, công khai minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, các địa phương cũng quyết liệt xử lý các tồn tại cũ, không để vi phạm mới phát sinh thành điểm nóng…
Đơn cử tại huyện Ứng Hòa, công tác giải phóng mặt bằng qua địa bàn huyện là "nút thắt" cuối cùng của dự án giao thông quan trọng kết nối các huyện phía Nam Thủ đô. Với quyết tâm cao từ chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, huyện Ứng Hòa đang nỗ lực hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý I/2025, bàn giao 100% mặt bằng trong quý II. "Với tinh thần quyết tâm cao nhất, huyện Ứng Hòa sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng lộ trình cam kết với TP. Hy vọng dự án được hoàn thiện trong năm 2025 để không trễ hẹn thêm lần nữa, tạo diện mạo mới cho khu vực phía Nam Thủ đô" - Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết chia sẻ.
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, TS Nguyễn Khánh Ly, nhìn nhận, trong quá trình thi hành Luật Thủ đô 2012, một số quy định được đề ra trong Luật chưa được phát huy hết, dẫn đến còn một số hạn chế trong các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư.... Với nhiều nguyên nhân khác nhau như tập trung là công tác GPMB do mức đền bù thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường. Với Luật Thủ đô 2024, quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô... cói nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng..., cùng với đó là nhiều giải pháp chính sách đặc thù để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo động lực định hướng sự phát triển đất nước và Thủ đô Hà Nội trong kỷ nguyên mới.
“Đơn cử, liên quan quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, tại Điều 38, Luật Thủ đô năm 2024 đã tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Đây có thể làm một cơ chế đặc thù giúp cho quá trình thu hồi đất của Hà Nội diễn ra được thuận lợi hơn” – TS Nguyễn Khánh Ly cho biết thêm.
Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua, nhằm tạo thể chế đột phá, đặc thù đáp ứng mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vì thế, Luật hiện hành được kỳ vọng tạo xung lực, sức bật để Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.