|
Ảnh minh họa |
Giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa 2 mạng di động
Thông tư 48/2017/TT-BTTTT quy định về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng viễn thông cố định vào mạng di động và giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa 2 mạng di động được ban hành ngày 29/12/2017, có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/5/2018.
Theo đó, từ 1/5, giá cước kết nối cuộc gọi giữa 2 mạng thông tin di động còn 400 đồng/phút đối với mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội; 440 đồng/phút đối với mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, MobiFone, Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu. Ngoài ra, giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động giảm còn 320 đồng/phút.
Như vậy, trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, VietnamMobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút. Khi Thông tư 48 chưa có hiệu lực, giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng thông tin di động mặt đất được áp dụng với mức từ 500 - 550 đồng/phút.
Theo tính toán, mức giảm áp dụng theo Thông tư mới sẽ từ 20%. Với việc giảm giá cước kết nối giữa các mạng, giá cước di động ngoại mạng sẽ được giảm theo.
Trường hợp được cấp tín dụng vượt hạn mức
Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…
Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; Số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; Số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.
Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.
|
Chính sách mới hỗ trợ lưu học sinh Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/5 |
Hỗ trợ lưu học sinh Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện hiệp định) học tập tại Việt Nam.
Theo đó, mức chi về kinh phí đào tạo đối với: Lưu học sinh hệ đào tạo dài hạn là 2.576.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh hệ đào tạo ngắn hạn là 5.485.000 đồng/người/tháng.
Các cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật được cấp tăng thêm 10% kinh phí đào tạo được cấp cho hệ đào tạo tương ứng.
Đối với sinh hoạt phí, định mức chi cho: Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ trung học là 3.080.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ đại học 3.630.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ sau đại học 4.110.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh đào tạo, tập huấn ngắn hạn 4.820.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh học tiếng Việt thi tuyển vào bậc Trung học, Đại học 2.460.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh học tiếng Việt thi tuyển vào bậc Sau đại học: 2.900.000 đồng/người/tháng.
Đối với cơ sở đào tạo không tổ chức ăn tập trung, toàn bộ sinh hoạt phí được cấp cho lưu học sinh. Đối với cơ sở đào tạo tổ chức ăn tập trung theo quy định thì suất ăn tập trung cho lưu học sinh Lào, Campuchia theo định mức của cơ sở đào tạo không vượt quá 45% định mức chi quy định; phần còn lại được chi trực tiếp cho lưu học sinh.
Thông tư cũng nêu rõ hỗ trợ trang cấp cá nhân cần thiết ban đầu được cơ sở đào tạo cấp một lần cho một lưu học sinh để sử dụng trong cả khoá học bao gồm các vật dụng cần thiết như chăn, màn, chậu rửa, quần áo... Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng, lưu học sinh không được cấp lại.
Định mức hỗ trợ: Lưu học sinh hệ đào tạo dài hạn là 4.480.000 đồng/người; lưu học sinh hệ đào tạo ngắn hạn 3.580.000 đồng/người; lưu học sinh khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, được cấp bổ sung chênh lệch quân trang trị giá 55.000 đồng/người/tháng.
Về chi phí đi lại, đối với lưu học sinh hệ dài hạn tập trung, hệ ngắn hạn, được hỗ trợ 01 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông (vé sang Việt Nam khi nhập học và vé lượt về nước khi tốt nghiệp) và lệ phí sân bay, cước hành lý thêm ngoài vé (20kg) theo thực tế theo tuyến đường tiết kiệm chi phí nhất.
Đối với hệ cao học chính quy không tập trung: Mỗi kỳ học tập trung học sinh được hỗ trợ một lượt vé đi hoặc một lượt vé về. Trường hợp cơ sở đào tạo tổ chức đưa đón tập trung từ/đến cửa khẩu cho lưu học sinh và được lưu học sinh nhất trí thì thanh toán chi phí đi lại từ/đến cửa khẩu theo thực chi, không quá 50% giá vé máy bay hạng phổ thông thấp nhất từ điểm đi đến điểm đến.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2018.
Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày
Theo quy định mới về hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 2/5/2018, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia, cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới. Doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm
Về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có website; hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia; hệ thống thông tin tiếp nhận, giải quyết khiếu nại; có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
|
Ảnh minh họa |
Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được tại Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018.
Trong đó, đáng chú ý là các phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được bao gồm: ô tô buýt loại thông dụng đến 80 chỗ ngồi, ô tô điện, ô tô con đến 9 chỗ ngồi, xe chở nhiên liệu, ô tô cứu thương… Ngoài ra còn có danh sách 366 máy móc, thiết bị bao gồm: nồi hơi các loại, nồi hơi tàu thủy, động cơ diesel, máy bơm nước thủy lợi, quạt công nghiệp, máy nén khí, lò đốt rác thải sinh hoạt…
Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành Danh mục 113 vật tư xây dựng; 678 mặt hàng nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế; 197 linh kiện, phụ tùng ô tô… trong nước đã sản xuất được.
Các danh mục hàng hóa trên là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; đối tượng miễn thuế nhập khẩu; được áp dụng chung và không phụ thuộc mục đích sử dụng, trừ hàng hóa chuyên dùng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2018.
Phí thẩm định cơ sở lưu trú du lịch từ 1,5 - 3,5 triệu đồng
Đây là quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 34/2018/TT-BTC ban hành mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Thông tư nêu rõ tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch khác tại Việt Nam khi nộp hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải nộp phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức thu phí là Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tổ chức thu phí thực hiện nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Đối với năm 2018, trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định, đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó bao gồm các khoản phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này thì trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/5/2018
Cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện: Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích; Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/5/2018, áp dụng cho các khoản giản ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.