Vào nghề không quá khó
Tuy được đánh giá là khá vất vả, nhưng lại là nghề phổ biến, thị trường lao động cần nhiều nên nghề xe được nhiều người chọn làm kế sinh nhai. Không giống những nghề khác cần bằng Cử nhân, trình độ học vấn hay kinh nghiệm, nghề xe cần một điều kiện tiên quyết: bằng lái xe.
Chỉ cần có bằng lái đã có thể được gọi tài xế. |
Bằng lái xe được phân thành nhiều loại, nhiều hạng như B, C, D, E, F... Trong đó, bằng B2 và bằng C là phổ thông và được nhiều người chọn học nhất. Bằng B2 cho phép điều khiển các loại phương tiện ô tô dưới 9 chỗ ngồi và xe tải có trọng tải dưới 3,5 tấn và được phép kinh doanh vận tải. Trong khi đó, bằng C cho phép điều khiển xe như bằng B và xe tải với tải trọng trên 3,5 tấn.
Chính vì vậy, chỉ cần trải qua khóa đào tạo và thi sát hạch (3 tháng đối với bằng B2 và 5 tháng đối với bằng C) với chi phí học tầm khoảng từ 5 đến 7 triệu đồng/khóa, lấy được bằng lái là có thể nhận việc ngay. Điều kiện thi lấy bằng không đòi hỏi giới tính, trình độ học vấn nên đây là nghề phù hợp với nhiều người, kể cả những “bóng hồng” nếu có đủ sức khỏe, lòng kiên trì và sự quyết đoán.
Nghề lái xe nhiều vất vả, hiểm nguy luôn rình rập
Câu nói cửa miệng của cánh tài xế: “ca-bin là nhà, vô-lăng là vợ” có thể phần nào lột tả một cách chân thực nhất cuộc sống khó khăn của người tài xế. Với phần lớn thời gian gắn liền với chiếc xe, ca-bin sau xe có công dụng như một mái nhà đối với người tài xế. Một tài xế chia sẻ: “Cánh tài xế tụi tôi hay nói đùa rằng cái ca-bin này có tác dụng 3 trong 1: Sáng phơi quần áo, trưa ăn cơm, tối để ngủ. Nhỏ hẹp vậy nhưng nó lại tiện lợi vô cùng đối với dân đi suốt trên đường như tụi tôi”. Tìm hiểu về cuộc sống của tài xế tải lại thấy chạnh lòng: “Hễ có hàng là chạy suốt, đâu được nghỉ ngơi, trầy trật lắm mới lấy được vợ chịu hiểu cho cái nghề này, lấy xong rồi lại bỏ vợ ở nhà đi chạy xe, nhiều lúc nghĩ thương vợ lắm, chỉ mong sao giao hết hàng để còn về với gia đình”.
![]() |
Nghề lái xe nguy hiểm luôn rình rập, đặc biết là với nữ xê. |
Bên cạnh đó, nghề xe, mà đặc biệt là lái tải đường dài, vốn nhiều nguy hiểm và áp lực. Mỗi ngày trung bình người tài xế chỉ được ngủ khoảng 3 – 4 giờ, “ăn bờ ngủ bụi”, nhiều lúc thức trắng lái xe cả đêm, nên khó mà làm chủ được tay lái và xử lí các tình huống đột ngột xảy ra. Bên cạnh đó, những mối nguy “từ trên trời rơi xuống” cũng là nỗi sợ đối với nghề xe tải.
Sức khỏe âm thầm bị lấy mất
Với việc lái xe bất kể ngày đêm, ăn uống không đúng giờ giấc và không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết, các tài xế thường gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan tới dạ dày, thần kinh, mắt và xương khớp.
![]() |
Sức khỏe của những lái xe theo thời gian sẽ giảm sút và bệnh tật là điều khó tránh khỏi. |
Anh Huỳnh Thanh Điền, một tài xế trẻ làm nghề lái xe cho một công ty VLXD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Không gì khổ bằng nghề tài xế, người ngoài tưởng rằng nhàn hạ nhưng vất vả và áp lực lắm. Làm mới có 5 năm mà thấy sức khỏe hao mòn suy giảm ghê, bao nhiêu sức của tuổi trẻ dồn vào làm việc để kiếm miếng ăn, về già chắc đi không nổi (cười)”. Do làm việc cho công ty kinh doanh VLXD nên ngoài việc lái xe, anh còn phải bốc vác, vận chuyển hàng hóa lên – xuống xe, nhiều lúc hàng nhiều phải lái xe đi giao đến tận khuya, bất kể mưa gió.
Được biết hiện tại anh đang bị thoái hóa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, hàng tháng phải đến bệnh viện tái khám và uống thuốc. Anh Điền nói: “ Bác sĩ bảo bị bệnh này không được làm nặng, phải giữ thẳng lưng, không được ngồi quá lâu, làm việc gì cũng phải chú ý đến tư thế. Đến năm 30 tuổi chắc không làm được gì nữa. Mà giờ thiếu thốn, cũng ráng theo nghề này, tới đâu hay tới đó!”.
“Còn mắc chứng đau dạ dày nữa, có hàng là phải chạy đi giao, đâu ăn đúng giờ được. Chạy xe nhiều, mắt hoạt động căng lắm nên giờ mắt cũng thường hay mỏi và yếu rồi” – anh Điền lắc đầu ngao ngán.
Thế mới thấy nghề nào cũng có cái khó riêng của nó, đối với nghề xe thì cái giá phải trả là sự hao mòn về sức khỏe là điều không thể tránh khỏi.