Đó là kiến nghị của ông Trần Hữu Hiệp, vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tại buổi họp lấy ý kiến về báo cáo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và hệ thống logistics vùng Tây Nam bộ được Bộ GTVT và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức chiều 10-8.
Buổi họp nhằm chuẩn bị cho hội nghị chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ được Bộ GTVT và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức vào ngày 22-8.
Bên cạnh đó, ông Hiệp đưa ra 3 kiến nghị:
"Thứ nhất, vốn đầu tư dự án sân bay quá lớn, trong khi điều kiện của chúng ta rất là khó khăn, mà lĩnh vực bức xúc hiện nay cũng không phải ở lĩnh vực đó, vì vậy, nên cân nhắc kỹ.
Thứ hai, khoảng cách địa lý với sân bay quốc tế Cần Thơ, sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) là quá gần. Ở ĐBSCL đã có sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc…, thì liệu xây sân bay An Giang có hiệu quả hay không, trong khi các dự án hiện hữu ở khu vực này phát triển cũng khó khăn.
Thiết kế mô hình nhà ga sân bay An Giang. |
Thứ ba, là nơi đây cũng gần biên giới Campuchia nên cần cân nhắc, có thông tin cho biết việc cất/hạ cánh máy bay có thể lấn qua biên giới và về mặt chuyên môn cần có nghiên cứu sâu.“Nói tóm lại, việc đưa sân bay An Giang vào kế hoạch xây dựng 5 năm tới là cần cân nhắc và thời gian qua đã có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề này rồi”, ông Hiệp lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng góp ý, trong kế hoạch đã đưa ra các danh mục dự án về đường bộ ưu tiên đầu tư trong năm năm tới. Tuy nhiên, trong những vấn đề ưu tiên đó thì “tôi cho rằng bức xúc nhất là ưu tiên cho những dự án đang đầu tư dở dang, chưa hoàn thành.
Cùng với đó, 60 xã trong 9/13 tỉnh, thành chưa có đường ô tô vào đến nơi. Vậy năm năm tới cần đầu tư dứt điểm cái này hay không? Hơn nữa, cần có danh mục dự án giao thông liên kết vùng”.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT tỉnh An Giang cũng cho rằng sân bay An Giang có suất đầu tư lớn, ảnh hưởng đất nông nghiệp, vì vậy nên nghiên cứu đầu tư sau năm 2030.
Còn hiện tại nên tập trung nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 để đoạn đường từ An Giang đến sân bay quốc tế Cần Thơ được thuận tiện hơn. Sau năm 2030 mới tính đến việc đầu tư xây dựng sân bay An Giang.
Theo danh mục các dự án ưu tiên đầu tư hàng không giai đoạn 2016-2020 được Bộ GTVT lấy ý kiến các tỉnh, thành ĐBSCL, ngày 10/8, dự án sân bay An Giang có tổng vốn đầu tư 3.417 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), cổ phần.
Trước đó, ngày 2/6/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng lúc bấy giờ đã ký Quyết định số 1166/QĐ - BGTVT về việc Phê duyệt Quy hoạch Sân bay An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với tổng kinh phí hơn 3.400 tỉ đồng.
Theo quyết định được phê duyệt, tổng diện tích toàn sân bay là 235 héc ta, trong đó, đất sử dụng chung là 169,59 héc ta, đất khu hàng không dân dụng 34,2 héc ta và đất khu quân sự là 31,25 héc ta.
Dự án được chia làm hai giai đoạn: từ nay đến năm 2020 và từ 2020 đến 2030; tổng diện tích xây dựng hơn 235 ha.
Đến năm 2020, sân bay An Giang có một đường hạ cất cánh dài 1.850m, rộng 45m, có khả năng tiếp nhận máy bay ATR72 và tương đương. Sau năm 2020, sân bay được năng cấp có khả năng tiếp nhận máy bay Airbus A321 và các loại tương đương.
Ngày 3/10/2013, UBND tỉnh An Giang cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện dự án sân bay theo hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP).