Trẻ em phát triển toàn diện hơn
Hà Nội hiện có hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó gần 14.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 35.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở ban ngành, đoàn thể và tập thể xã hội, trẻ em của TP được sống trong điều kiện tốt hơn và có cơ hội phát triển toàn diện hơn. TP đã triển khai hiệu quả chính sách khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, phát triển hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ em ở tất cả các tuyến”.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý (ngoài cùng bên phải) trao tượng trưng số tiền mua thiết bị vui chơi cho trẻ em của 5 quận, huyện. |
Những năm qua, Hà Nội tiếp tục đầu tư cho hệ thống giáo dục các cấp học và mang lại những kết quả nổi bật. Năm 2017 đã có 99,3% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức; 540/584 xã, phường, thị trấn được công nhận “xã, phường phù hợp với trẻ em”; trên 99% học sinh tốt nghiệp các cấp. Giáo dục đào tạo của Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ còn hạn chế; các điểm vui chơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích còn cao. Đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đang làm cho thế giới thay đổi từng ngày khiến cho mọi người nói chung và trẻ em nói riêng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Dù được khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức vô tận trên mạng xã hội, nhưng người dùng lại dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung không lành mạnh cũng như có nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại.
Đảm bảo an toàn trên môi trường công nghệ
Hưởng ứng Lễ phát động Tháng hành động, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, là địa phương có 8 phường với 36.235 trẻ em, nhiều năm qua, quận Tây Hồ đều quan tâm, chăm lo xây dựng môi trường an toàn và phát triển lành mạnh cho trẻ. Trong năm thứ hai thực hiện Đề án phổ cập bơi trong các trường học, sẽ có 11 bể bơi thông minh được lắp đặt tại 11 trường học và 1 lớp bơi tại Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận. Dự kiến hè 2018 sẽ có từ 3.500 – 4.000 trẻ em trên địa bàn quận được phổ cập bơi. Đặc biệt, để phòng ngừa trẻ em khỏi những tác động tiêu cực của thế giới số, quận Tây Hồ đẩy mạnh tổ chức các buổi dạy kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân theo chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” và các buổi tọa đàm về sử dụng công nghệ số… Chia sẻ về nội dung này, cô Nguyễn Thanh Hương – Giáo viên chủ nhiệm lớp 7, trường THCS Quảng An cho biết: "Nhà trường luôn định hướng cho học sinh khai thác thông tin trên mạng phục vụ việc học tập. Với các em hay sử dụng facebook, thầy cô luôn theo dõi để định hướng việc đăng tin lên mạng xã hội".
Thực hiện hiệu quả quyền trẻ em, với chủ đề Tháng hành động “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, quận, huyện, thị xã truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em. Những cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, người làm quản lý, nuôi dưỡng trẻ, cha mẹ, trẻ em phải được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh và các kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Riêng phòng ngừa đuối nước, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn rà soát, bổ sung đầy đủ biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ.