Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), sáng nay (21/1), tại TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ ký kết viện trợ dự án cải tạo, phục hồi đường cống thoát nước cũ bằng công nghệ đào không hở SPR. Theo đó, Nhật Bản viện trợ 1,882 tỷ Yên (hơn 400 tỷ đồng) để cải tạo các đường cống thoát nước cũ tại các quận trung tâm TP.
Đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản và UBND TP ký kết thỏa thuận viện trợ. |
Cụ thể, ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam và ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã ký hiệp định viện trợ không hoàn lại của dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.
Khoản viện trợ không hoàn lại, trị giá 1,882 tỷ Yên (hơn 400 tỷ đồng), đã được Chính phủ Nhật Bản cam kết vào năm 2018, sẽ được dùng để cải thiện năng lực thoát nước và năng lực chịu tải thông qua việc cải tạo và khôi phục các đường ống thoát nước cũ tại TP.
Việc cải tạo và phục hồi đường ống thoát nước cũ sẽ được các công ty giàu kinh nghiệm Nhật Bản thực hiện trong 24 tháng, dưới sự giám sát của công ty tư vấn đầy năng lực của Nhật Bản, và dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 3/2023.
Hiện nay, các đô thị lớn của Việt Nam, tiêu biểu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đều gặp vấn đề quá tải về hạ tầng thoát nước, do quá trình đô thị hóa quá nhanh.
Theo JICA, trong khi TP đang nỗ lực hết sức để xây dựng hệ thống thoát nước mới, bao gồm các nhà máy xử lý nước thải và hệ thống đường ống để cải thiện môi trường nước, việc cải tạo phục hồi các đường ống thoát nước cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc là một thách thức lớn trong tình trạng giao thông đông đúc như hiện nay, đặc biệt, tại các quận trung tâm như quận 1 và quận 3.
Trong năm 2015, JICA đã cung cấp một dự án hợp tác kỹ thuật do Sở Xây dựng thành phố Osaka và công ty Sekisui Chemical thực hiện nhằm thí điểm công nghệ không đào hở trong việc cải tạo phục hồi các đường ống đã xuống cấp ở nút giao Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh tại Quận 1. Dự án thí điểm này đã chứng minh đây là phương pháp phù hợp để cải tạo phục hồi các đường ống thoát nước, thích hợp tại các quận có lưu lượng giao thông lớn tại TP Hồ Chí Minh mà không làm xáo trộn đời sống xã hội cũng như không làm hư hỏng mặt đường.
Ưu điểm của việc sử dụng công nghệ không đào hở trong dự án thí điểm, so với phương pháp đào hở truyền thống, đã thuyết phục Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy dự án cải tạo phục hồi đường ống thoát nước tại các khu vực trung tâm với mật độ đông đúc ở quận 1 và quận 3.
Thành phố Osaka sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho dự án mới dựa trên hợp tác trong lĩnh vực nước thải sẵn có giữa 2 thành phố.
JICA bắt đầu hỗ trợ TP Hồ Chí Minh cải thiện hệ thống thoát nước thải từ năm 1999 thông qua việc xây dựng “Quy hoạch Tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020” (JICA, 1999).
Dự án Cải thiện Môi trường nước tại lưu vực sông Tàu Hũ - Bến Nghé (giai đoạn 1) nằm trong Quy hoạch Tổng thể này đã được thực hiện. Dự án này đã đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý nước thải với công suất là 141.000 m3/ngày đêm, hệ thống cống bao thu gom nước thải và đường ống mới và cải thiện lưu lượng thoát nước tại kênh Tàu Hũ và Bến Nghé.
Giai đoạn hai của dự án dự kiến được hoàn thành vào năm 2022. Giai đoạn này sẽ bổ sung thêm một nhà máy xử lý nước thải với công suất là 330.000m3/ngày đêm và mở rộng hệ thống cống bao thu gom nước thải và đường ống tại lưu vực kênh Đôi - Tẻ.
Trong giai đoạn hai của dự án, công nghệ khoan kích ngầm đã và đang được áp dụng để xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông ở các khu vực đông đúc tại quận 4, 5, 6, 8, và 10 trong thành phố.