Phát triển 7 chương trình du lịch đường thủy
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 1.000km. Đây là lợi thế lưu thông cũng như khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.
Kênh Tàu Hũ - Bến Ngé về đêm - Ảnh: Internet. |
Hiện có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm thành phố, thuận tiện trong việc vận chuyển hành khách, chẳng hạn như tuyến sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, sông Vàm Thuật, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè…
Các tàu khách quốc tế với lượng du khách lớn đều có thể vào tận trung tâm TP tại khu vực cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không cần phải trung chuyển, giúp tăng thêm thời gian cho khách lưu trú; đồng thời giảm tải vận tải hành khách bằng đường bộ do không phải sử dụng xe trung chuyển vào trung tâm TP.
Thêm nữa, TP Hồ Chí Minh cũng có hàng loạt điểm tham quan bằng đường sông, giàu tiềm năng khai thác du lịch như Trung tâm TP (Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất …); khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi; các khu di tích thuộc địa bàn huyện Cần Giờ; các đình, chùa khu vực quận 2, 8, 9, Gò Vấp, Thủ Đức…
Trước lợi thế này, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2020, mục tiêu đến năm 2020, sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được đưa vào khai thác trên các tuyến sông, bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô. Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2017-2018 phấn đấu đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Song song đó, TP cũng đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đi đường biển đến TP đạt 470.000 lượt/năm trong giai đoạn 2017-2018.
Một khúc Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Internet. |
Để triển khai từng bước kế hoạch nêu trên, cách nay ít ngày TP đã chính thức triển khai tuyến buýt đường sông để phục vụ người dân, du khách. Trong 10 ngày đầu khai thác, hành khách tham gia sẽ được miễn phí toàn bộ vé. Tổng chiều dài tuyến buýt sông gần 11km, có 9 trạm lên xuống đón trả khách. Các trạm này nằm rải rác ở các quận 1, quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức... nên rất thuận tiện cho người dân, du khách. Chương trình nhằm thu hút cũng như định hướng thói quen di chuyển từ đường bộ sang đường thủy, có thêm nhiều lựa chọn phương tiện lưu thông cho người dân.
Đề xuất làm chợ nổi, đường hoa trên sông Sài Gòn
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dã ngoại Lửa Việt cho rằng, muốn du lịch đường sông phát triển nhà nước cần quan tâm bằng những chính sách cụ thể chứ không nói chung chung như xưa nay nữa. Cụ thể, phát triển bến bãi, giá cả, sản phẩm gì…
Du khách tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Internet. |
Ông Mỹ kiến nghị, tại sao thành phố không chuyển đường hoa thành sông hoa, trang trí đẹp như ở đường hoa Nguyễn Huệ... Nếu thành phố làm được, đảm bảo sông hoa đẹp và độc đáo không nước nào sánh bằng. Về lâu dài, ngay từ bây giờ phải quy hoạch đường sông cho 20 năm sau, chỗ nào công viên, chỗ nào khu mua sắm, chỗ nào ẩm thực… Cần phải có khu lưu trú cho khách dọc hai bên bờ sông, từng bước thay đổi thói quen du lịch đường sông...
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc công ty du thuyền Hoàng Gia nhận định, ở các thành phố khác như Cần Thơ, Mỹ Tho... chợ nổi phát triển như là một điểm nhấn của địa phương đó, vậy tại sao TP Hồ Chí Minh không tận dụng đường sông Sài Gòn rất đẹp để phát triển du lịch chợ nổi Sài Gòn. Hoặc có thể tận dụng để phát triển câu lạc bộ du thuyền Việt Nam. Khi thành phố cho phép, thì rất nhiều nhà đầu tư muốn làm, những tour du lịch như thế sẽ rất thu hút khách trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam.
Hiện nay TP Hồ Chí Minh với lợi thế của 2 tuyến sông chính là Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua, cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo ra mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận, có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường thủy nội địa vốn còn khá mới mẻ này.