Tết Hàn thực là tết gì? Tết Hàn thực 2022 là ngày nào âm lịch, dương lịch
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, xuất hiện chủ yếu tại các tỉnh Trung Quốc, khu vực miền Bắc Việt Nam và thường được chào đón tại các cộng đồng người Hoa trên Thế Giới.
Vào ngày lễ này mọi người thường xay bột, nấu đậu xanh, tự làm các món bánh chay, bánh trôi, nấu chè xôi,.. để lễ Phật và cúng tổ tiên.
Năm nay, Tết Hàn thực 2022 vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch năm Nhâm Dần (tức ngày Chủ Nhật ngày 3/4/2022).
Bánh trôi, bánh chay là món ăn nguội vào ngày Tết Hàn thực. (Nguồn ảnh: Internet)
Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Tết Hàn thực của Việt Nam bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc. Đó là vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở.
Lúc bấy giờ, có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo Vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, do lương thực hết nên Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng Vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong 19 năm trời, cùng nhau nếm trải bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm Vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa chứ không có công lao gì đáng nói. Nghĩ vậy, Giới Tử Thôi về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh. Rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 Âm lịch hàng năm).
Ý nghĩa tết Hàn thực
- Thể hiện lòng thành với tổ tiên
Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh, theo đó mọi người sẽ dùng thức ăn lạnh, nguội như một cách tưởng nhớ đến những người thân đã khuất.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn thực mang nét riêng biệt rõ ràng khi người dân không cần phải kiêng lửa, họ đặc biệt chuẩn bị bánh trôi - đại diện cho thức ăn nguội và dâng lên tổ tiên, mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, những người đã khuất.
Bên cạnh đó, bánh trôi bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Cứ mỗi lần đến Tết này mỗi thành viên đều cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Vào ngày này, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành.
- Mong muốn thời tiết thuận lợi hài hòa
Được biết ngày lễ Hàn thực mang mong muốn cho mùa hạ bớt nóng, ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm được chọn lựa hoàn toàn không liên quan đến dương lịch, hay bất kì một quy ước đạo giáo nào mà được chọn theo âm lịch, theo luật âm dương ngũ hành, là ngày đánh dấu sự kết thúc của Mộc khí.
Món lạnh theo ngũ hành sẽ thuộc Kim, bánh trôi chay màu trắng cũng thuộc Kim. Bên cạnh đó hình dáng của bánh trôi tròn đều, bên trong phần nhân hình vuông, gợi lên câu tục ngữ "mẹ tròn con vuông".
Bánh chay vỏ trắng tính dương, phần nhân đậu xanh bên trong vàng tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Dùng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực thể hiện mong muốn mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.
Nên làm gì trong ngày Tết Hàn thực?
Người Việt có truyền thống uống nước nhớ nguồn và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, do đó các ngày lễ âm lịch dù nguồn gốc ra sao và ý nghĩa riêng biệt thế nào thì hoạt động tưởng nhớ tổ tiên vẫn luôn được chú trọng. Ngoài việc làm bánh trôi bánh chay cúng, đây là những điều nên làm trong Tết Hàn thực 2021:
Đi tảo mộ
Tết Hàn thực là một trong những dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Ngày này cũng nằm trong tiết Thanh minh nên nhiều gia đình kết hợp đi tảo mộ để thăm viếng, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và cầu mong những điều tốt đẹp nhất.
Làm mâm cúng
Trong ngày này, rất nhiều gia đình Việt thường quây quần bên nhau để chuẩn bị mâm cỗ dâng lên tổ tiên, những vị thần linh, cầu mong những điều may mắn sẽ đến với mình. Không cần cầu kỳ, các gia đình thường chuẩn bị những lễ vật cơ bản như: Hương, hoa tươi, hoa quả, trầu cau, bánh trôi, bánh chay... và các món ăn.
Ăn mặc chỉnh tề khi thắp hương
Thắp hương là hành động thể hiện cái tâm thành kính của chủ nhang với những người đã khuất. Vì thế mà viêc ăn mặc chỉnh tề khi bắt đầu dâng lễ luôn được coi trọng.
Chỉ nói những điều hay
Trong ngày này, gia đình cần tránh mâu thuẫn, cãi vã. Nếu như có vấn đề tranh chấp thì cũng nên giải hòa, nhường nhịn nhau. Không nên nói những điều xui xẻo, khiến cho không khí gia đình nặng nề.
Nhắc nhớ công ơn người đã khuất
Những thế hệ con cháu sinh sau thường ít được nghe về người đã khuất trong gia đình hay dòng họ mình. Chính vì vậy, Tết Hàn thực là dịp gia đình quây quần bên nhau để cha mẹ, ông bà kể về công ơn tổ tiên. Đó vừa là cách để ôn lại quá khứ, vừa dạy bảo con cháu phải "uống nước nhớ nguồn".