Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường cho biết, từ chiều nay tới gần trưa mai, mưa vẫn diễn ra trên hầu khắp các tỉnh khu vực Bắc và Trung Bộ. Từ trưa ngày 12/10, lượng mưa sẽ giảm dần. Tuy nhiên, đến ngày 15/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc và một số tỉnh miền Trung sẽ tiếp tục có mưa.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp chiều 11/10. |
Ông Hoàng Đức Cường cũng thông tin: Hiện nay trên biển Đông đang hình thành áp thấp nhiệt đới. Dự kiến, khoảng tối ngày 14/10, áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào biển Đông và gây mưa cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, lũ quét, sạt lở đất do khu vực trên vừa trải qua đợt mưa lớn, đất đã bão hòa nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đợt mưa trong những ngày qua là “chưa từng có” trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do cộng hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Thực tế trong nhiều năm qua, thời điểm tháng 10 thường ít xảy ra mưa lớn trên diện rộng, liên tiếp và kéo dài đến vậy. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đáng lo ngại nhất hiện nay là vấn đề an toàn của 2.984 hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Theo thông tin từ Tổng cục Thủy lợi, hầu hết các hồ chứa đều đang có mực nước cao.
Cùng với đó là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Đối với nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị cơ quan khí tượng thủy văn cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, cũng như khả năng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới. Thông tin kịp thời, đầy đủ để các bộ ngành, các địa phương có phương án ứng phó. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ trong công tác vận hành các hồ chứa. “Những ngày qua đã làm khá tốt. Những ngày tới cần tiếp tục chủ động và làm tốt hơn để bảo đảm an toàn hồ đập, vùng hạ du…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá cao công tác ứng phó với diễn biến mưa những ngày qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, các địa phương không được phép chủ quan, bởi mưa sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, khi áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, kết hợp với không khí lạnh.
Đối với nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp với các đơn vị khẩn trương di dời người dân tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của Nhân dân. Tổ chức tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, đồng thời, thăm hỏi, động viên gia đình, thân nhân người bị chết, mất tích, bị thương. Các địa phương triển khai công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân những vùng chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ những ngày qua. “Tuyệt đối không để người dân nào bị đói, bị khát”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Trước diễn biến mưa được dự báo còn phức tạp những ngày tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp, vận hành an toàn 31 hồ chứa thủy điện, cùng như các hồ chứa thủy lợi khác, nhất là những hồ đã tích đầy nước.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai chiều 11/10 cho biết, mưa lớn những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ. Thống kê đến chiều nay, đã có ít nhất 20 người chết (Thanh Hóa: 3 người; Nghệ An: 8 người; Sơn La: 5 người; Hòa Bình: 4 người). 12 người khác hiện vẫn còn đang mất tích. 5 người khác bị thương. Ngoài ra, 81 nhà đân bị đổ sập hoàn toàn; cùng 3.127 nhà dân bị ngập. Các địa phương đã phải tổ chức di dời tổng số 315 hộ dân. Bên cạnh đó, hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, và gần 10.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Một số tuyến đường như Quốc lộ 8, Quốc lộ 18 hiện vẫn còn nhiều điểm bị ngập, lưu thông khó khăn…