Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. |
Đánh giá kết quả thực hiện công tác ngành nội vụ năm 2017, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Năm qua được xác định là năm trọng tâm về công tác tổ chức cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Với nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ), Bộ và ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy-HĐND-UBND cấp tỉnh để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, Bộ đang phối hợp với MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức tại 63 tỉnh, TP và dự kiến công khai kết quả vào quý I/2018. Tính đến ngày 31/12/2017, đã thực hiện tinh giản biên chế tổng số 33.459 người. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn đánh giá, tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản, đề án còn chậm, chất lượng chưa cao; việc sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước còn chậm; công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển CBCC ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định...
Trên cơ sở phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ và ngành Nội vụ xác định chủ đề năm 2018 là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, Bộ sẽ xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và NLĐ trong các DN, trình Hội nghị T.Ư 7 khoá XII.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương cố gắng của ngành nội vụ năm 2017, Bộ đã hoàn thành xây dựng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều dự án lớn; công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách thuộc lĩnh vực của Bộ được quan tâm chỉ đạo, góp phần xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC... Mặc dù vậy, ngành nội vụ còn chậm trễ trong xây dựng ban hành thể chế, công tác kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước chưa quyết liệt, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác cán bộ, thanh kiểm tra chưa toàn diện... Dó đó, lãnh đạo Bộ và toàn ngành cần nghiêm túc thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục.
Nhấn mạnh 2018 là năm triển khai các nghị quyết hội nghị T.Ư 6, đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề; Chính phủ với phương châm xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng: Bộ Nội vụ phải hết sức gương mẫu; Ban cán sự đảng và lãnh đạo Bộ phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ để lãnh đạo toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; phát huy vai trò tham mưu giúp Chính phủ về công tác lĩnh vực nội vụ. Đặc biệt, ngành nội vụ cần chủ động hơn trong công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Nội vụ năm nay cần thành lập tổ công tác về thanh tra công vụ do trực tiếp Bộ trưởng làm tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ thanh tra công vụ, nhất là về công tác đề bạt cán bộ. Vừa qua, chúng ta đã phát hiện một số trường hợp đề bạt cán bộ vi phạm các quy định về quy trình, có những trường hợp đề bạt rất nhanh mà báo chí gọi là “siêu tốc”, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm. Do đó tới đây, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm tra vấn đề này”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nêu rõ.
Đề cập vấn đề thi nâng ngạch công chức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng cần được đánh giá lại hiệu quả thực tế xem có mang tính hình thức không. “Có nhất thiết phải tổ chức thi khiến người từ các địa phương kéo về Hà Nội rất nhiều để thi; trong khi các chuyên viên ở các địa phương rất đông, làm bù đầu, giàu kinh nghiệm thực tiễn, rất giỏi nhưng đi thi có khi không đạt, lại có thể phát sinh tiêu cực? Bộ cần nghiên cứu có cần tiếp tục duy trì thi nâng ngạch không, hay nên xác định ngạch công chức theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, khoa học về trình độ, năng lực, đạo đức, kinh nghiệm, sự cống hiến… Nếu không phải người có chức vụ nhưng có thâm niên lâu, hoàn thành nhiệm vụ, thì cũng có thể được nâng ngạch”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.