Những vùng tơ lụa nổi tiếng Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Nha Xá, Cổ Chất ở miền Bắc đến Hội An, Mã Châu ở miền Trung vào đến đất cao nguyên có lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) sang miền sông nước An Giang nổi danh với vùng Tân Châu, lụa Việt theo năm tháng đã đi vào huyền thoại. Người Bắc Kỳ vẫn luôn tự hào khi lụa Vạn Phúc lần đầu tham gia hội chợ quốc tế Marseille từ những năm 1931. Là một làng nghề truyền thống thế nên Vạn Phúc vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng vốn có của vùng quê Việt Nam ngay giữa thành phố đang phát triển, quá trình đô thị hóa ngày càng rõ ràng.
Vị trí:
Làng lụa Vạn Phúc (nay là Phường Vạn Phúc) nằm ngay trong lòng Quận Hà Đông và cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 10km.
Đường đi Vạn Phúc
Để đi tới làng lụa Hà Đông bạn có thể chọn đi theo cung đường Lê Văn Lương kéo dài hoặc đi đường Nguyễn Trãi tới bưu điện Hà Đông thì bạn rẽ phải, bạn sẽ không khó khi nhận ra cổng làng Vạn Phúc.
Làng lụa Vạn Phúc có gì nổi bật?
Làng Vạn Phúc có gần 800 hộ gia đình làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống nơi đây. Hàng năm, làng sản xuất khoảng 2,5 đến 3 triệu mét vuông vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề. Tuy hiện nay có rất nhiều những loại lụa đểu được nhập từ Trung Quốc về làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín và chất lượng của lụa Vạn Phúc nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ và nỗ lực chăm chút từng bước một để tạo ra những sản phẩm tốt nhất và khẳng định lại vị thế của mình.
Lụa Vạn Phúc nổi tiếng bền và đẹp, khi mặc vào mọi người sẽ cảm nhận được sự mềm mại, nhẹ nhàng của nó. Đó là nhờ phần lớn vào bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân nơi đây. Trải qua bao nhiêu thế hệ, nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, và vẫn đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa Vạn Phúc độc đáo bởi hoa văn trên lụa rất đa dạng, được các nghệ nhân chăm chú rất tỉ mỉ, bao giờ cũng được trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.
Do đó, từ lâu lụa Vạn Phúc đã được coi là đại diện của Việt Nam được xuất xứ ra nước ngoài, và cũng từng được chọn là một loại để may các trang phục triều đình, đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn.
Hiện nay, tơ lụa Vạn Phúc có khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với những tên gọi khác nhau như: băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế,… Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, loại lụa này có hoa nổi thì bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng. Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là người mặc sẽ cảm thấy ấm áp hơn vào mùa đông và thoáng mát hơn vào mùa hè.
Trải nghiệm 1 ngày ở làng lụa Vạn Phúc
Đầu tiên ngay khi bạn đặt chân đến làng lụa Vạn Phúc, bạn sẽ bắt gặp cổng làng rất to và đẹp.
Để thu hút du khách, con đường dẫn vào làng đã được trang hoàng bởi những chiếc ô đầy sắc màu, vừa giúp che bóng mát trong những ngày nắng oi ả, vừa tạo điểm nhấn để khách du lịch nhớ tới và check in.
Khách đến Vạn Phúc chủ yếu mua sắm các mặt hàng dệt may từ các chất liệu truyền thống như tơ tằm, đũi, lanh... vừa thân thiện môi trường, vừa thoáng mát. Các mẫu mã được cập nhật thường xuyên để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, trong đó, một lượng khách không nhỏ đến từ nước ngoài.
Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa làng Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.
Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại mẫu mã đa dạng. Hoa văn có bốn loại: động vật, thực vật, đồ vật, hình họa. Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa Vân, loại lụa này có hoa nổi thì bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng.
Bên cạnh những "con đường tơ lụa" tập trung nhiều cửa hàng may mặc, làng Vạn Phúc còn ẩn giấu nhiều ngóc ngách thú vị để bạn khám phá. Người dân từ bao đời vẫn bảo tồn các di tích gắn với lịch sử làng và duy trì nếp sống buôn bán, dệt vải từ xa xưa.
Di tích nhà cầu mang dáng dấp của Hội An, được làm bằng gỗ, nhìn xuống dòng nước xanh biếc. Hàng ngày, người dân làng ngồi hai bên bờ hóng gió, câu cá. Câu cầu dẫn từ con đường hiện đại, xe cộ tấp nập sang phía bên này là làng quê bình dị.
Không nhiều du khách tới làng Vạn Phúc biết tới một di tích quốc gia nằm ngay gần nhà cầu, được bảo tồn nguyên vẹn. Nhà lưu niệm Bác Hồ là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống, làm việc vào tháng 12/1946 và viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Căn nhà được xây dựng từ những năm 1940 của cụ Nguyễn Văn Dương, một người dân làng Vạn Phúc sống bằng nghề dệt lụa. Căn biệt thự pha trộn hài hòa giữa phong cách kiến trúc kiểu Pháp và kiến trúc mái ngói, ba gian hai chái của người Việt xưa.
Nhà lưu niệm sở hữu khuôn viên xinh xắn, nhiều cây xanh như cây cau, giàn mướp, vườn hoa hồng, chum vại... Nhiều khu vực trong nhà trưng bày các hiện vật thời Hồ Chủ tịch sinh sống tại đây, cùng các vật dụng gắn liền với đời sống của người dân Vạn Phúc như chày giã gạo, máy dệt vải...
Căn nhà của cụ Nguyễn Văn Dương từng là căn cứ cách mạng nơi các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ từng hoạt động bí mật. Hiện, người dân trong làng chung tay bảo tồn để đón khách du lịch. Nhà lưu niệm mở cửa miễn phí vào tất cả các ngày trong tuần.
Đến làng Vạn Phúc, ngoài mua sắm những trang phục truyền thống, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về ngành trồng dâu nuôi tằm, dệt vải của ông cha xưa.
Khu đền thờ Tổ nghề nằm ngay đầu làng gồm nhà trưng bày, đền thờ Tổ, đền thờ Bác Hồ... được quy hoạch hợp lý.
Cầu gỗ bắc qua hồ sen nhỏ, cây cối um tùm, mát rượi, là điểm đến thích hợp trong những ngày hè cuối tuần ở Hà Nội. Thời gian sau dịch bệnh, làng thưa vắng khách nên khá thoải mái để đi dạo ngắm cảnh và chụp ảnh.
Con đường trúc dài chừng 10 m, dẫn tới vườn dâu cổ - nơi xa xưa dân làng duy trì nghề nuôi tằm dệt vải. Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể đi về hướng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu hoặc đi đường Nguyễn Trãi qua cầu Trắng.
Làng Vạn Phúc đã trở thành cái nôi trong làng lụa gấm trên cả nước. Lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần trở thành biểu tượng của văn hóa, của vùng đất Hà Đông, của dân tộc Việt Nam. Dù chỉ là lữ khách vãng lai nhưng mỗi du khách đều cảm thấy rất thân thuộc, tâm hồn dịu mát, yêu quê hương hơn. Hiện nay việc phát triển du lịch tại làng lụa Vạn Phúc không chỉ bảo tồn nét văn hóa truyền thống mà còn giải quyết được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, giúp phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập, thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm.