Báo chí phản ánh, nội dung trên thể hiện tại Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ KHĐT. Theo đó, đề xuất đề nghị sẽ sử dụng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu nhưng đổi lại, ngân hàng phải chấp nhập bán nợ xấu theo giá thị trường. Một khoản nợ trên sổ sách của ngân hàng là 100 đồng nhưng giá thị trường hiện chỉ còn 20 đồng thì ngân hàng cũng cần phải dứt khoát bán và chịu lỗ 80 đồng.
Đồng tình với chủ trương trên, ông Cấn Văn Lực cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, để giải quyết nợ xấu có 3 nút thắt cần tháo gỡ.
Thứ nhất có nên dùng tiền ngân sách haykhông? Trả lời câu hỏi này ông Đực cho rằng, phải dùng thêm ngân sách, cần phải có thêm "tiền tươi, thóc thật" để mua bán theo cơ chế thị trường.
Nút thắt thứ hai, ai là người bù lỗ cho phần nợ xấu VAMC đã mua về? Theo TS. Lực, cần có cơ chế mạnh dạn chia sẻ lỗ, lãi giống như cách mà Thái Lan cũng đang làm. Nếu VAMC bán được trên 75% giá trị trên sổ sách thì chia lãi, còn nếu dưới 75% thì chia lỗ.
Vấn đề thứ 3 là thị trường mua bán nợ. TS Lực cho rằng nhà đầu tư, tư nhân cực kỳ quan trọng trong thị trường mua bán nợ, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải làm thế nào để họ tham gia vào. Ai là người định giá, phải có cơ chế giải quyết vấn đề giá cả.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng ủng hộ quan điểm trên. Theo ông Hiếu, phải dùng tiền thật để xử lý nợ xấu, vì trái phiếu không có thanh khoản trên thị trường thì không có ý nghĩa gì.
"Phải mua đứt bán đoạn, chuyển từ bán sang mua và người mua có quyền sử dụng tài sản bảo đảm", ông Hiếu nói.
Thực tế, đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu từng được Chính phủ đưa ra xin ý kiến Quốc hội từ năm 2014. Ngay sau khi ý kiến này được đưa ra đã gặp phải rất nhiều các quan điểm trái chiều.
Ông Trần Du Lịch nêu quan điểm không nên dùng tiền ngân sách để “đổ” xử lý nợ xấu bởi chúng ta còn cần tiền dành cho nhiều việc khác.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội đã nói thẳng "tiền chi đầu tư còn không có lấy đâu ra ngân sách mà xử lý nợ xấu...".
Dùng ngân sách xử nợ xấu:Tiền đầu tư không có,lấy gì cứu?
Trước những lo ngại trên, VPCP đã có công văn 8190/VPCP-KTTH gửi Bộ KHĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu không đưa đề xuất trên ra xem xét.
"Phó Thủ tướng yêu cầu không đưa kiến nghị về việc xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước như dự thảo báo cáo", công văn nêu rõ.