Theo Bộ Tài chính, việc giảm giá sách theo nguyên tắc kiểm soát hài hòa lợi ích nhà xuất bản và mục đích phục vụ an sinh, xã hội. Ảnh: baoninhthuan
Theo Bộ Tài chính, việc giảm giá sách thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, chủ động tiết kiệm chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích kinh tế nhà xuất bản và mục đích phục vụ an sinh, xã hội.
Đến nay, các nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại, điều chỉnh giảm giá các đầu sách giáo khoa mới dùng cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Được biết trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình số 375/TTr-KHTC về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Tại dự thảo Nghị định, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng đối với người dân chịu tác động của dịch bệnh và thiên tai bão lũ, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ cho phép giữ ổn định mức học phí các cấp học năm học 2021 – 2022, không tăng so với năm học 2020 – 2021.
Ngoải kiểm soát bình ổn giá sách giáo khoa, học phí năm học 2021-2022 cũng được giữ ổn định như năm trước . Ảnh: DACE
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản số 1505/BGDDT-KHTC gửi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí năm các cấp học 2021 – 2022 để chia sẻ khó khăn.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá Quý II/2021 vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo cũng cho biết, Chính phủ thống nhất chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết, đánh giá việc xã hội hóa biên soạn, phát hành sách giáo khoa để có các giải pháp kịp thời đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa phù hợp nhằm bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội;
Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 và thực hiện đúng quy định các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục, đào tạo.