Băng rôn kêu cứu hỗ trợ của người ở trọ phường An Phú
1 phường có trên 25.000 trường hợp chưa được chi trả
Do quá thiếu thốn vì mất việc kéo dài, không có thu nhập lại phải gồng gánh chi phí ăn uống, nhà trọ, thuốc men...người dân ở trọ tại nhà trọ Ngọc Bích, khu phố 1B, phường An Phú, TP Thuận An đã tổ chức quay clip, căng băng rôn nêu khó khăn đưa lên mạng xã hội, nhờ chính phủ xem xét, can thiệp.
Nghe theo lời tuyên truyền của tỉnh, người lao động cố bám víu ở lại Bình Dương giờ lâm vào cảnh khó khăn, không có tiền chi tiêu, không nhận được trợ cấp đã liều mạng quay clip đưa lên mạng xã hội cầu cứu Chính phủ.
Không riêng khu nhà trọ Ngọc Bích mà tại khu phố 1B rất đông người lao động tạm trú tại nhiều khu nhà trọ nơi đây cùng chung cảnh ngộ. Chị Tạ Thị Nhung quê An Giang, xúc động “Gia đình làm công nhân Công ty gỗ Mộc Xuyên bị mất việc vì Covid-19 hơn 4 tháng rồi. Không có thu nhập lại bị “đông cứng” không ra ngoài làm gì được. Từ trước tới giờ chỉ nhận được 1 lần trợ cấp. Sau đó chỉ thấy cán bộ đến lập danh sách rồi không thấy trở lại. Là người dân lương thiện chúng tôi nghe lời tuyên truyền của tỉnh, của thành phố là người lao động an tâm ở lại sẽ được hỗ trợ an sinh xã hội, chờ dịch đi qua sẽ trở lại làm việc. Nhưng chờ mãi không thấy gì, chúng tôi giờ rất khó khăn, không tiền trả thuê nhà trọ, thuốc men...Mong sao được nhận gói hỗ trợ để có cái ăn qua ngày”.
Bà Trần Thị Bạch Yến, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, TP Thuận An xác nhận: "Lãnh đạo phường có thấy clip do người dân ở trọ quay, phát triên mạng xã hội và việc chậm trễ chi trả tiền hỗ trợ như phản ánh của người dân là có. Hiện tại, phường An Phú đã thực hiện chi trả, hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị Quyết số 04 của HĐND tỉnh và Quyết định số 12 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động bị mất việc do dịch Covid-19; hỗ trợ tiền nhà trọ cho người ở trọ trên địa bàn tỉnh đạt 98% so với danh sách đã được phê duyệt. Còn lại địa phương tiếp tục cập nhật, bổ sung 25.439 trường hợp chưa được chi trả hỗ trợ. Trong tuần này chúng tôi quyết tâm thực hiện các thủ tục còn lại để sớm chi trả hỗ trợ cho người dân".
Người ở trọ mong muốn sớm nhận được hỗ trợ để có tiền chi tiêu, trả tiền trọ đã nợ nhiều tháng vì mất việc
Lãnh đạo địa phương nói gì?
Cũng theo bà Bạch Yến, việc chậm trễ là do phường An Phú có rất đông dân cư, lại là địa bàn bị “đông cứng, khóa chặt” nên việc đi lại, cập nhật thông tin trong cao điểm chống dịch đã bị gián đoạn. Nhiều Trưởng khu phố trong quá trình làm việc bị nhiễm Civid-19 phải chuyển giao công việc cho người khác. Ngoài ra còn một số chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương để cung cấp thông tin, lập danh sách, nên phải chờ đợi. Bởi vì tiền trợ cấp từ ngân sách nhà nước phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục. Sau này còn phải quyết toán, kiểm toán, nếu không đúng thủ tục sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Địa phương đã nhận thấy một phần thiếu sót vì chậm trễ chi trả hỗ trợ cho bà con. Sau này các trường hợp thắc mắc, cần hỗ trợ bà con hãy liên hệ với khu phố hoặc đến trực tiếp UBND phường để được hỗ trợ, giải quyết”. Bà Yến nhắn gửi.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP Thuận An xác nhận: “Thuận An có rất nhiều trường hợp, rất nhiều phường bị chậm trễ trong việc lập danh sách, thực hiện chi trả hỗ trợ cho người dân do ảnh hưởng Covid-19 vì trước đó các phường này là tâm dịch, phải thực hiện “đông cứng, khóa chặt”, không đi lại được để lập danh sách. Nhiều cán bộ trong quá trình công tác bị nhiễm Civid-19 phải chuyển giao cho người khác. Rất mong bà con thông cảm, chia sẻ khó khăn với địa phương. Bây giờ không ai dám làm gì sai trái. Nguyên nhân chậm trễ đã được địa phương báo cáo lên Tỉnh ủy và UBND tỉnh. TP cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19 trên tinh thần công tâm, công bằng và công khai, minh bạch”.
Trước đó tại buổi họp báo công bố kế hoạch điều chỉnh kiểm soát dịch Covid-19 trong điểu kiện bình thường mới do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cũng đã thừa nhận: "Một số phường trước đây phải thực hiện “đông cứng, khóa chặt” trong phòng chống dịch đã chậm trễ trong việc lập danh sách; nhiều chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương để cung cấp, xác nhận thông tin; nhiều cán bộ địa phương trong quá trình công tác đã bị nhiễm Covid-19 ... nên việc chi trả hỗ trợ có chậm hơn dự kiến. Việc hỗ trợ chính sách an sinh xã hội do ảnh hưởng Covid-19 sẽ được triển khai thực hiện đến hết ngày 31/12/2021".
Ai cũng biết, người nghèo, người lao động chân tay, người thu nhập thấp là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước các biến động bất thường của xã hội như thiên tai, dịch bệnh... Để “không ai bị bỏ lại phía sau” thì việc cần quan tâm, chăm lo trước tiên phải là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này. Làm được như vậy sẽ phần nào hạn chế cảnh người dân lũ lượt, đứng xếp hàng dưới mưa xin qua chốt để về quê. Người lao động an tâm ở lại nơi làm việc thì mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” mới bảo đảm trọn vẹn.