Đổi sang CCCD trước ngày 01/7/2021 là không bắt buộc
Cần thiết phải đổi CCCD gắn chip?
Theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014, thì Chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi nào công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Mặt khác, Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA thì thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 23/1/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc người dân phải đổi từ CMND/CCCD sang CCCD gắn chip ngay nếu các loại giấy tờ này vẫn còn thời hạn sử dụng theo quy định, hết thời hạn này người dân mới phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip. Tuy nhiên, nếu người dân có yêu cầu đổi sang CCCD gắn chip trước khi CMND/CCCD hết thời hạn thì vẫn sẽ được giải quyết đổi sang thẻ CCCD gắn chip.
Ngoài ra, theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp: Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Khi công dân có yêu cầu. Đối với trường hợp bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, thì công dân sẽ được cấp lại thẻ CCCD.
Thông tin ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, theo thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), diện được cấp CCCD gắn chip từ ngày 01/01 - 01/7 gồm nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD, đang sử dụng CMND 9 số; người có CCCD, CMND 12 số nhưng hết hạn sử dụng, mất, có thay đổi về thông tin nhân khẩu cần cấp lại thẻ CCCD. Trước mắt, Công an TP cấp CCCD cho nhân khẩu có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh; sau ngày 01/7 sẽ cấp cho nhân khẩu tạm trú.
Ngoài CCCD người dân còn được cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu
Xin cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú ra sao
Bộ Công an cho biết, ngoài việc cấp đổi CMND sang CCCD có gắn chip tới đây, cá nhân, hộ gia đình còn được cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Tin dẫn nguồn từ một Dự thảo Thông tư định chi tiết từ một thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú thì tại Điều 15 Dự thảo có nêu rõ, Giấy xác nhận thông tin về cư trú được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký cư trú.
Theo đó, Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị xác định nơi thường trú, nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng, nơi ở hiện tại của cá nhân hoặc hộ gia đình và có giá trị trong thời gian 30 ngày kể từ ngày cấp. Công dân có yêu cầu cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú, trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú để làm thủ tục cấp giấy xác nhận.
Cơ quan đăng ký cư trú đề nghị người yêu cầu cấp giấy xác nhận xuất trình một trong các giấy tờ, tài liệu thể hiện thông tin số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 1 ngày làm việc, Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ được cấp theo yêu cầu.
Trường hợp thông tin về cư trú của cá nhân hoặc hộ gia đình trong Giấy xác nhận thông tin về cư trú chưa được cập nhật khi có thay đổi, thì cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn công dân đến cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân thường trú, tạm trú để làm thủ tục điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú quy định.
Người yêu cầu đăng ký cư trú có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú cũng có thể được thực hiện dưới hình thức trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua đường bưu chính hoặc cổng dịch vụ công. Người yêu cầu trả kết quả qua hệ thống bưu chính phải nộp chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính.