Sáng ngày 24/12, tại TP Sóc Trăng, UBND tỉnh này đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng 2 cây cầu lớn tại thuộc địa bàn TP Sóc Trăng là cầu Nguyễn Văn Linh và cầu Vành đai II.
Hình ảnh phối cảnh dự án cầu Nguyễn Văn Linh.
Ông Nguyễn Trọng Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án 1 tỉnh Sóc Trăng, chủ đầu tư 2 công trình nói trên cho biết, xuất phát từ thực trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của TP Sóc Trăng còn nhiều hạn chế, mức độ phục vụ cho người dân chưa cao: “Từ mục tiêu phấn đấu phát triển đô thị TP Sóc Trăng đạt chuẩn đô thị loại 2, góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP Sóc Trăng và của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chấp thuận thực hiện dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam – Tiểu dự án TP Sóc Trăng” – ông Khánh nói.
Cụ thể, dự án được khởi động từ năm 2016 với qui mô 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 có 6 công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp 3, chủ yếu là cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng cho 6 khu vực dân cư có hạ tầng thấp kém, điều kiện cuộc sống của người dân còn khó khăn; Hợp phần 2 có 7 công trình hạ tầng kỹ thuât đô thị cấp 1 và cấp 2, kết nối với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 3, và các khu vực trong nội thị và ngoại thị của TP Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.056, 574 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư (vốn vay ODA (vốn vay Ngân hàng thế giới) và vốn đối ứng).
Chính thức khởi công dự án cầu Vành đai II - Ảnh: Cao Xuân Lương
Công trình cầu Nguyễn Văn Linh là công trình thuộc hợp phần 2 của dự án, kết nối đường Nguyễn Văn Linh (phường 2, TP Sóc Trăng) và đường Điện Biên Phủ (phường 6, TP Sóc Trăng) có chiều dài 141m, cầu dạng chữ Y, gồm 3 nhánh. Nhánh 1 gồm 1 nhịp dài 35m, nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến trụ giữa; nhánh 2 gồm 1 nhịp dài 36m, nối từ đường Điện Biên Phủ đến trụ giữa và nhánh 3 gồm 1 nhịp dài 35m, nối từ Thiền Viện Trúc Lâm (phường 2, TP Sóc Trăng) đến trụ giữa. Tổng bề rộng cầu 14m, gồm 2 làn xe cơ giới , 2 làn xe thô sơ và lề bộ hành. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình này trên 110 tỷ đồng. Thời gian thi công 24 tháng, dự kiến hoàn thành ngày 24/12/2023.
Công trình cầu Vành đai II kết nối đường trục phát triển hướng Đông và đường Lý Thường Kiêt (phường 4-TP Sóc Trăng) với đường Vành đai II và đường Điện Biển Phủ (phường 8-TP Sóc Trăng). Cầu dài 273m, gồm 6 nhịp bên (3x33m) và nhịp giữa 75m, thông thuyền đứng 4,5m. Bề rộng mặt cầu 14m, gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lan can và lề bộ hành cầu. Tổng kinh phí công trình gần 205 tỉ đồng. Thời gian thi công 24 tháng, dự kiến hoàn thành ngày 24/12/2023.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Lễ khởi công - Ảnh: Cao Xuân Lương
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hai công trình này là công trình của ý Đảng, lòng dân. Công trình sẽ góp phần nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tằng kỹ thuật của TP Sóc Trăng cu ngx như của tỉnh, giúp giảm lượng xe lớn vào khu vực trung tâm TP Sóc Trăng, tăng tính kết nối với các địa phương khác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Sóc Trăng và của tỉnh.
Được biết, 2 công trình nói trên là một trong những công trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022).
Cũng trong sáng cùng ngày 24/12, tại Cà Mau, Ban Quản lý Dự án 7 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị thi công cũng tổ chức ra quân thi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Đây là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư dự án là 1.725,889 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 1.205,2 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 14,3km, quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế đạt 80km/h, bề rộng nền đường 12m gồm 02 làn xe chạy, đầu tư 10 cầu mới trên toàn tuyến. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 01 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Ban QLDA 7 cũng lãnh đạo tỉnh Cà Mau thực hiện nghi thức triển khai dự án - Ảnh: Hoàng Quân
Ông Đinh Công Minh - Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, dự án khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho QL1A đoạn đi qua trung tâm TP Cà Mau, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Kết nối với đường Vành đai 3 TP Cà Mau, đường Hành lang ven biển phía Nam nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của địa phương và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải đường bộ Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án được triển khai tại khu vực địa chất có nhiều yếu tố phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu tại Khu vực Tây Nam Bộ. Từ đó sẽ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi thời gian thi công chỉ trong vòng 01 năm. Vì vậy, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA 7 và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thi công phù hợp, khoa học; phải tuân thủ mọi yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo chất lượng công trình. Mục tiêu phải hoàn thành đúng tiến độ và phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án.