Ở đường Nguyễn Văn Chiêm, UBND quận 1 sẽ khai trương thí điểm 20 gian hàng với hàng chục hộ kinh doanh. Phố hàng rong trên đường này có chiều dài 40 m và lực lượng chức năng bố trí cho 20 hộ kinh doanh hoạt động theo các khung thời gian từ 6-9h, 11-13h.
Trong khi đó, phố hàng rong ở Công viên Bách Tùng Diệp có chiều dài 30 m và có 15 hộ kinh doanh hoạt động từ 6-9h. Điểm này dự tính khai trương vào tháng 9 tới.
Một gánh hàng rong trên địa bàn quận 1, TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin. |
UBND quận 1 cho biết không thu phí đối với hộ dân được bố trí vào phố hàng rong buôn bán. Những người kinh doanh tại đây được lực lượng chức năng tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng buôn bán… Bàn ghế ở các quầy kinh doanh của phố hàng rong được thiết kế cùng mẫu thống nhất, dễ quản lý.
Theo UBDN quận 1, phố hàng rong góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo nơi mưu sinh cho người buôn bán có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Ở phố hàng rong, nguyên liệu chế biến và thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người trực tiếp chế biến, người phụ hàng phải đeo bảng tên, mặc đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ.
Vệt đỏ là đường Nguyễn Văn Chiêm nơi các hàng rong được phép hoạt động. Ảnh: Google Maps. |
Sau khung giờ hoạt động, các hộ kinh doanh chuyển bàn ghế, ô dù vào công trình Lavenue gần đó gửi để trả nguyên trạng khu phố.
Theo UBND quận 1, trong 2 tháng đầu, quận sẽ thực hiện phát hành phiếu ăn trả trước, giống hình thức vé ăn-uống để vận động cán bộ, công nhân viên xung quanh khu vực tham gia. Đồng thời vận động nhà tài trợ là những công ty có văn phòng, trụ sở gần khu vực thí điểm mua ủng hộ vé ăn, phát cho nhân viên nhằm giới thiệu tới người dân về hoạt động khu vực thí điểm.
Theo UBDN quận 1, người muốn tham gia phố hàng rong phải có hộ khẩu ở quận 1, có hoàn cảnh khó khăn và làm nghề buôn bán hàng rong lâu năm.
Đường Nguyễn Văn Chiêm, địa điểm tổ chức nơi bán hàng rong cho người dân trên địa bàn quận 1. Ảnh: Phước Tuần. |
Các quận 3, 4, 10 (TP.HCM) đã có kế hoạch lập phố hàng rong từ nhiều tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Tại buổi chất vấn ở kỳ họp thứ 5 của HĐND khóa IX mới đây, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh việc dẹp vỉa hè cần song song với tổ chức, chuyển đổi nghề và tìm kiếm vị trí để tập hợp người bán hàng rong một cách ổn định. Ông Khoa yêu cầu các quận, huyện phải thực hiện ngay việc thí điểm vị trí buôn bán hàng rong để tái lập trật tự lòng lề đường được bền vững, đồng thời không làm xáo trộn cuộc sống mưu sinh của người dân. Ông nói rằng những khó khăn, vướng mắc cần báo cáo cho chính quyền thành phố để kịp giải quyết. |