Những năm qua, các thành viên trong Câu lạc bộ phòng chống tội phạm (hay còn gọi là "hiệp sĩ đường phố") Bình Dương hoạt động hiệu quả nhưng gần đây cũng có một số người có biểu hiện lệch lạc, lộng quyền, bắt giữ người trái phép… làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của Câu lạc bộ.
Thạch Đạt (ngồi), từng tham gia Câu lạc phòng chống tội phạm phường Phú Hòa ra đầu thú vì giả danh công an cướp sòng bạc ở Sóc Trăng.
Câu lạc bộ phòng chống tội phạm tiền thân là Câu lạc bộ xung kích phòng chống tội phạm được thành lập từ năm 1997, thí điểm đầu tiên tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bởi, đây là địa bàn khá phức tạp vì có các tuyến đường Quốc lộ 13 và ĐT 743 đi từ Bình Dương qua Đồng Nai, TP.HCM nên tội phạm thường chọn khu vực này để gây án.
Không sợ nguy hiểm, các thành viên Câu lạc bộ phòng chống tội phạm Phú Hòa liên tục lập công khi vây bắt các đối tượng vi phạm để chuyển công an điều tra, xử lí. Cũng từ đó, Câu lạc bộ phòng chống tội phạm Phú Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần gìn giữ xã hội bình yên. Cá nhân anh Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng chống tội phạm Phú Hòa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng III.
Sau Câu lạc bộ phòng chống tội phạm Phú Hòa, Bình Dương thành lập thêm nhiều câu lạc bộ khác ở các xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 91 câu lạc bộ đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần cùng với lực lượng công an đấu tranh phòng chống tội phạm. Học hỏi mô hình ở Bình Dương, Hà Nội và TP.HCM sau đó cũng đã thí điểm mô hình Câu lạc bộ săn bắt cướp.
Đến năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 203 ban hành Quy chế hoạt động cho các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Đây là bước ngoặt, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của mô hình phòng chống tội phạm, thay vì như trước đây hoạt động theo hình thức tự nguyện. Theo đó, các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm chia làm hai bộ phận tuyên truyền phổ biến pháp luật và xung kích phòng chống tội phạm, tuần tra bắt giữ đối tượng phạm pháp nơi công cộng.
Sau một thời gian hoạt động khá hiệu quả, tạo tiếng vang thì gần đây hoạt động của các "hiệp sĩ đường phố" Bình Dương gây ra nhiều vấn đề khiến dư luận dần mất niềm tin đối với việc làm của những người từng được coi là "người hùng".
Vụ việc gần đây nhất đó là thông tin "hiệp sĩ đường phố" Bình Dương giả danh công an cướp sòng bạc tại Sóc Trăng; một số thành viên của nhóm hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải lên mạng xã hội bóc phốt nhau về việc giúp người lấy tiền. Ngoài ra, dư luận còn hoang mang trước thông tin nhiều người lấy mác “hiệp sĩ đường phố” để công khai làm bảo kê. Chính vì vậy, dư luận đặt câu hỏi vai trò quản lí của chính quyền ở đâu?
Ông Nguyễn Văn Nên, người dân thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho rằng, công an cần thường xuyên nhắc nhở những điều nên làm, được phép làm, những điều nên tránh... giúp các "hiệp sĩ đường phố" hợp tác chính xác, có hiệu quả: “Kiến nghị cơ quan chức năng trong thời gian tới cần có sự quan lí chặt chẽ hơn các mô hình hiệp sĩ, đồng thời có những chế độ, chính sách hợp lí để các hiệp sĩ có thể truy bắt trộm cướp nhiều hơn để cuộc sống người dân yên bình hơn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, các Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ở Bình Dương đều chịu sự quản lý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các thành viên câu lạc bộ là những người dân bình thường, người dân nhập cư tự nguyện tham gia phòng, chống tội phạm nhưng lại không được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, điều này rất dễ dẫn đến tình trạng sai phạm, hoạt động lệch lạc. Do đó, các địa phương đang xem xét để kết nạp những thành viên là người địa phương để dễ quản lý, đồng thời tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các thành viên câu lạc bộ.
Ông Lại Thái Hòa, Phó chủ tịch UBND phường Phú Lợi- Chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, câu lạc bộ của phường đã có quy chế hoạt động, trong đó giao công an phường trực tiếp quản lý, hướng dẫn thành viên câu lạc bộ thực hiện đảm bảo theo quy định pháp luật.
Nói về những "biến tướng" trong hoạt động của các "hiệp sĩ đường phố", Công an tỉnh Bình Dương thừa nhận, chưa quản lý chặt chẽ đội ngũ này, chưa kiểm soát được hoạt động của hiệp sĩ không chính thức. Tuy nhiên, nếu "hiệp sĩ đường phố" hoạt động đúng quy chế đã đưa ra thì không có chuyện "lộng quyền". Vấn đề này, lãnh đạo công an xã, phường, thị trấn phải luôn giám sát, hướng dẫn các thành viên trong câu lạc bộ phòng chống tội phạm mà địa phương quản lí để giảm thiểu mặt trái và phát huy được mặt có lợi cho dân.
Ông Huỳnh Văn Sáng, đại diện Phòng phong trào bảo vệ An ninh tổ quốc-Công an tỉnh Bình Dương: Sẽ chấn chỉnh hoạt động của "hiệp sĩ đường phố" Bình Dương.
Ông Huỳnh Văn Sáng, đại diện Phòng phong trào bảo vệ An ninh tổ quốc-Công an tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, hiện nay việc "tâng bốc" quá mức của cơ quan truyền thông cũng đã khiến một số người "ảo tưởng sức mạnh". Pháp luật cho phép mọi công dân có quyền bắt người phạm tội quả tang nhưng không cho phép hoạt động vượt thẩm quyền thay cơ quan công an.
“Chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa, trên cơ sở đó tham mưu Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương chỉ đạo trưởng công an các xã, phường, thị trấn làm tốt việc chấn chỉnh thường xuyên hoạt động của các thành viên Câu lạc bộ phòng chống tội phạm theo nề nếp, theo quy định”, ông Sáng nói.
Bình Dương là một tỉnh phát triển công nghiệp và cũng là một địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội. Hiện nay, nhiệm vụ trấn áp tội phạm là của công an nhưng một mình ngành công an không thể làm tốt được, mà cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng "hiệp sĩ đường phố" cũng góp phần. Tuy nhiên, hoạt động của các "hiệp sĩ đường phố" cần được giám sát, theo dõi để tránh lạm quyền.