Sáng 29/6, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh và và Liên doanh nhà thầu Shimizu - Meada (Nhật Bản) tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM đường hầm phía Tây của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau 5 tháng miệt mài thi công liên tục. Tổng số vỏ hầm đã được sản xuất và lắp đặt là 3.900 tấm.
Hầm Metro thứ 2 của TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành.
Tương tự đường hầm phía Đông đã hoàn thành trước đó, đường hầm này cũng dài 781 m nối từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố. Tuy nhiên, do hầm metro thứ hai nằm ở vị trí hơn 12 m dưới lòng đất, cạn hơn đường hầm thứ nhất, mức ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất lớn hơn. Trong quá trình thi công, đường hầm xuyên qua các tuyến đường Đồng Khởi, băng qua giữa khách sạn Caravell, Hai Bà Trưng, Nguyễn Siêu, Ngô Văn Năm, đường Tôn Đức Thắng đến ga Ba Son.
Ông Dương Hữu Hòa - Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị số 1 cho biết, quá trình thi công diễn ra thuận lợi hơn so với khoan đường hầm thứ nhất. Mặc dù vậy, đội ngũ thi công cũng hết sức cận thẩn vì đường nằm gần mặt đất, tránh để ảnh hưởng đến các công trình xây dựng phía trên.
Theo ông Hoà, tháng 3/2015 đơn vị mới được bàn giao mặt bằng đầy đủ để tiến hành thi công. Tuy nhiên đến nay, các hạng mục trên tuyến Metro số 1 đang được đảm bảo đúng tiến độ.
Riêng đường hầm số 2 (nối ga Ba Son – ga Nhà hát TP) bắt đầu thi công từ tháng 1/2018. Do có đội ngũ kỹ sư Nhật Bản và các kỹ sư trong nước thực, cả hai bên có sự phối hợp tốt và tiếp thu công nghệ nhanh nên việc thi công diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ.
"Sau khi hoàn thành 2 đường hầm, nhà thầu sẽ tiếp tục đổ bê tông đường tàu, lắp đặt ray, hệ thống thông tin tín hiệu và thoát nước cho 2 tuyến hầm", ông Hòa cho hay.
Việc khoan hầm ngầm trên tuyến metro đô thị được thực hiện bằng máy khoan TBM, được xem là một trong những công nghệ hiện đại nhất thế giới. Việc vận hành bằng máy móc góp phần hạn chế độ rung, giảm tiếng ồn và không ảnh hưởng đến giao thông, công trình xây dựng trên mặt đường.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Do Trung ương chậm phân bổ vốn nên thành phố đã 3 lần phải ứng vốn cho các nhà thầu thi công để bảo đảm tiến độ.