Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cùng các đại diện lãnh đạo cơ quan của Thành ủy, UBND TP; Thường trực huyện ủy các huyện Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất; đại diện các sở, ngành, đoàn thể...
3 / 7Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thị sát dự án tôn tạo, nâng cấp di tích Hồ Tròn.
Đây là một trong những nội dung thực hiện tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", thực hiện Thông báo số 1357-TB/TU ngày 27/9/2023 về kết luận của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng được thành lập từ tháng 10-1987 theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở phát triển vùng kinh tế mới do những người con Hà Nội gây dựng từ năm 1976.
Hiện nay, huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên 93.027ha, dân số hơn 150.000 người. Hơn 60% dân số là người đến từ nhiều địa phương của thành phố Hà Nội. Nhiều gia đình đã gắn bó đến thế hệ thứ 3, thứ 4 trên quê hương mới tại những vùng đất với những địa danh quen thuộc: Xã Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Liên Hà, Mê Linh, Phúc Thọ; những khu phố Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa…
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Hoàng báo cáo với đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Đến thăm Trường Mầm non Nam Hà tại khu phố Hai Bà Trưng của xã Nam Hà, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các thành viên đoàn công tác vui mừng khi biết, với sự hỗ trợ hiệu quả từ quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, đây là một trong những trường khang trang nhất huyện Lâm Hà và đã đạt chuẩn quốc gia, tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ mầm non.
Tại di tích Hồ thanh niên xung phong tiền trạm Hà Nội (Hồ Tròn) ở thị trấn Nam Ban, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các thành viên đoàn công tác đã khảo sát công trình xây dựng nâng cấp cảnh quan khu vực. Phó Bí thư Thành ủy chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố tăng cường phối hợp với địa phương, sớm hoàn thành công trình nhiều ý nghĩa này.
Bởi đây là nơi ghi dấu những bước chân đầu tiên của 100 thanh niên xung kích Thủ đô rời Hà Nội vào ngày mùng 6 Tết Bính Dần 1976 để đến Tây Nguyên xây dựng quê hương mới.
Đoàn công tác còn đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (thành lập năm 1995). Chủ doanh nghiệp là người con thế hệ thứ 2 của những người Hà Nội vào đây khai phá từ cuối những năm 1970. Nay, sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới và là sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà và tỉnh Lâm Đồng.
Trong sáng 26/10, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Hoàng đã thông tin tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt được năm 2022. Theo đó, tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 7.246 tỷ đồng (tăng 9,1%), tổng nguồn vốn đầu tư đạt 4.340 tỷ đồng. Hoạt động bán lẻ đạt 6.150 tỷ đồng; du lịch đón được 102.000 lượt khách, đạt 340% kế hoạch; GRDP bình quân đầu người 82,3 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 549 tỷ đồng, vượt 37,4% kế hoạch huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị huyện Lâm Hà cần chọn đơn vị đầu mối để tiếp nhận sự hỗ trợ về bò giống 3B của TP Hà Nội
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàng, trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội và 15 quận huyện đã hỗ trợ đầu tư cho huyện Lâm Hà 17 công trình với tổng vốn là 215,9 tỷ đồng, tổng số vốn đã hỗ trợ 181 tỷ đồng. Các công trình được hỗ trợ đã phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của TP Hà Nội; tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cho 2 công trình giai đoạn 2016-2020, xem xét tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển huyện Lâm Hà giai đoạn 2023-2025...
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện Lâm Hà theo hướng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn tới, huyện Lâm Hà mong muốn được TP Hà Nội hỗ trợ giống bò thịt 3B, giống gà mía; chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn; kết nối doanh nghiệp Hà Nội đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản của địa phương; hỗ trợ địa điểm trưng bày, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà tại Thủ đô Hà Nội…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp Hà Nội đã nêu những phương thức hợp tác cụ thể và toàn diện với chính quyền, doanh nghiệp huyện Lâm Hà để hỗ trợ địa phương phát triển toàn diện; tiếp tục hỗ trợ Lâm Hà xúc tiến thương mại đối với những sản phẩm chủ lực như tơ tằm, cà phê, macca...
Đối với việc huyện Lâm Hà đề nghị hỗ trợ bò giống 3B, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Lâm Hà cần có đơn vị đầu mối tiếp nhận mô hình này để chăn nuôi theo hướng tập trung. Qua đó trở thành hàng hóa cung cấp cho địa phương, các vùng phụ cận, thậm chí có thể cung cấp cho TP Hà Nội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lâm Hà đã đạt được trong thời gian qua, với nhiều lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu của tỉnh Lâm Đồng. Hà Nội tự hào vì có đóng góp cho những thành tựu ấy.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tặng bức tranh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
"Nay, chúng ta cùng nhau phối hợp để đưa sự hợp tác phát triển lên một giai đoạn mới, trong đó chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục để Lâm Hà phát triển toàn diện. Cần xây dựng mô hình điểm cho từng lĩnh vực, sau đó nhân rộng... Cần có Ngày Hà Nội ở Lâm Đồng và Lâm Hà, bởi chỉ có Hà Nội - Lâm Đồng mới hợp tác hình thành và phát triển một đơn vị hành chính cấp huyện tại vùng kinh tế mới như huyện Lâm Hà", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Ngày 27/10, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong sẽ dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.