Cứ mỗi lần nghe tin một bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên y tế bị hành hung là tôi lại cảm thấy đau đớn như chính mình bị xúc phạm.
Cảm giác phẫn nộ, buồn bực, thất vọng xâm chiếm tôi. Phẫn nộ vì các thầy thuốc không bao giờ đáng bị đối xử như vậy. Buồn bực vì bao nhiêu nỗ lực của ngành y, của các đồng nghiệp và của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn tệ nạn này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Thất vọng vì người thầy thuốc vẫn lẻ loi trong hành trình của mình.
Cách đây ba tuần, Tòa án Nhân dân huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Ngọc Giang, người đã dùng chiếc cốc thủy tinh đập vào đầu một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, khiến anh ngất tại chỗ, đầu có hai vết thương, phải khâu bảy mũi và phải theo dõi chấn thương sọ não.
Tôi đã đến bệnh viện thăm anh vào chiều tối ít hôm sau sự cố. Thầy thuốc trẻ nằm trên giường bệnh với chiếc đầu băng trắng. Chiếc áo blouse nhuốm máu đã thay bằng chiếc áo bệnh nhân màu xanh khiến cho gương mặt anh xanh xao hơn. Không hiểu sao suốt thời gian đứng cạnh anh, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh những bác sĩ với chiếc áo blouse dính đầy máu.
Giây phút đó tôi nguyện sẽ làm tất cả để chiếc áo của thầy thuốc - biểu tượng cho bình an không bao giờ bị nhuốm máu, để thầy thuốc không bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực.
Tôi nhớ lại câu chuyện chiếc áo blouse nhuốm đầy máu của một bác sĩ khác. Cách đây đúng 6 năm, bác sĩ Phạm Đức Giàu của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm thủng màng tim khiến ông tử vong. Trong căn nhà đơn sơ, gia sản hầu như không có gì, tôi không thể cầm nước mắt khi nhìn lên bàn thờ ông. Có hai vật mà tôi nhớ nhất, là chiếc ống nghe và cuốn sổ tay ghi chép theo dõi bệnh nhân. Ông thiệt mạng tại nơi làm việc, để lại bà mẹ già 87 tuổi, và hai cô con gái đang học trung cấp. Nhưng trường hợp của ông lại không đủ điều kiện để được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi chỉ còn cách bàn với ngành y tế và giáo dục tỉnh nhận một cô con gái vào làm điều dưỡng, một cô con gái vào làm giáo viên.
Sau này hung thủ giết bác sĩ Giàu đã bị tuyên án tù chung thân. Những tưởng những bản án nghiêm khắc đối với những kẻ hành hung thầy thuốc sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh trong xã hội. Nhưng thời gian qua đã liên tiếp xảy ra những vụ nhục mạ, hành hung khác nhằm vào thầy thuốc, mà tính chất phạm tội và hậu quả để lại về tâm lý và thân thể đối với thầy thuốc không hề giảm đi. Đơn cử một số vụ nổi bật trong 3 tháng vừa qua: 20 côn đồ cầm vũ khí ào vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khống chế bác sĩ chém bệnh nhân (tháng 5/2017); đánh và bắt bác sĩ quỳ lạy ở Bệnh viện Thể thao Hà Nội (6/2017), bác sĩ bị một đối tượng đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7/2017). Không những thế, những kẻ hành hung còn quay video (vụ nhục mạ bác sĩ tại Trung tâm Y tế Móng Cái), thậm chí phát sóng trực tiếp trên Facebook (vụ hành hung thầy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) như một lời thách thức xã hội.
Và mới nhất, tối 18/8 vừa qua, là việc một giám đốc doanh nghiệp vừa được bình chọn vào danh sách 100 “Doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc 2017” đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ Hoàng Thị Minh, người đang làm nhiệm vụ trực tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An. Tận mắt chứng kiến hành động côn đồ này có cả một vị Chủ tịch UBND phường, mà sự hiện diện của ông tại đó cần được làm rõ. Với vai trò của ông ta, thì bất cứ người dân nào bị bạo lực đều phải được bênh vực, chứ đừng nói là thầy thuốc đang làm nhiệm vụ trong ca trực.
Một nữ bác sĩ tâm sự với tôi rằng cô từng bị hành hung, nhưng điều khiến cô đau đớn không phải là nỗi đau thể xác mà chính là những bình luận trên mạng xã hội: “Cô phải có thái độ thế nào với bệnh nhân thì mới bị hành hung chứ?”. Tâm lý này đang phổ biến trong xã hội. Lẽ ra bất cứ hành vi bạo hành nào đối với thầy thuốc đều bị lên án và xử lý, thì người ta lại quay ra đổ lỗi cho thầy thuốc. Đó là thái độ đối xử chưa khách quan và nhân văn.
Một nhân viên hàng không bị hành khách hành hung, hành khách đó ngay lập tức bị cấm bay; nhưng cứu người, dù bất kể người đó là ai, lại là sứ mệnh của người thầy thuốc.
Với tư cách là một thầy thuốc, tôi cho rằng đã đến lúc những hành vi côn đồ hành hung thầy thuốc cần phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Có như thế, những người thầy thuốc không có một tấc sắt trong tay mới có thể yên tâm với hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực. - Nguyễn Thị Kim Tiến