Cách xử lý cương quyết, không kiêng dè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, đang làm cho người dân cảm thấy “thỏa mãn” sau nhiều lần chứng kiến kiểu xử lý “bắt cóc bỏ đĩa”. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề trật tự đô thị không chỉ đơn giản là việc “giải tỏa trắng” vỉa hè.
Nhếch nhác vì có “chống lưng, bảo kê”
Không phải lâu nay chính quyền không đủ mạnh để giải quyết dứt điểm những lộn xộn trên vỉa hè ở các tuyến đường đô thị, mà khi đụng đến vỉa hè là đụng đến quyền lợi của rất nhiều người. Những cửa hiệu, quán xá san sát sát nhau, quán nào “nhô ra” gần mặt đường hơn, thì đó đã là một lợi thế trong kinh doanh. Vì gốc rễ của vấn đề là “văn hóa tiện lợi” của người dân đô thị. Họ muốn dừng xe ngay vỉa hè và có thể mua được hàng hóa họ cần, nên quán xá lấn ra vỉa hè, người đi xe máy leo lên vỉa hè, người bán hàng rong ngồi trên vỉa hè… cứ thế tồn tại.
Vỉa hè bị lấn chiếm ở khu phố Tây (quận 1). |
Dù vậy, muốn có “một chỗ trên vỉa hè” cũng không phải là câu chuyện đơn giản. Một chủ quán nhậu trên đường Trường Sa cho biết, để có thể xếp một vài bàn nhậu ra vỉa hè đường Trường Sa vào buổi tối, anh phải “quà cáp” cho lực lượng quản lý trật tự đô thị của phường, của quận, cho cả lãnh đạo phường… Nhưng chỉ cần chung chi hơi “yếu” thì lập tức bị gây khó dễ, thu bàn ghế, lập biên bản tịch thu, xử phạt lên đến vài chục triệu đồng, trong khi cùng thời điểm, những quán khác ngay sát bên vẫn bày bàn ghế nhan nhãn mà chỉ bị nhắc nhở khi có đoàn kiểm tra, sau đó lại bày ra buôn bán như bình thường.
Bằng chứng của việc “chung chi, bảo kê” chính là trên cùng một tuyến đường, nhưng lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra hàng ngày nhưng vẫn có những quán nhậu, cửa hiệu thoải mái xây lấn ra vỉa hè và vô tư hoạt động, trong khi những quán khác chỉ thoáng thấy bóng đoàn kiểm tra đã vội vã thu gom bàn ghế như “chạy loạn” mà vẫn không tránh khỏi bị tịch thu, lập biên bản phạt.
Không chỉ vậy, chính những chủ nhà mặt tiền trên các tuyến đường có vỉa hè rộng vẫn xem vỉa hè như của nhà mình nên thường tận dụng làm nơi giữ xe hoặc bày hàng. Nhiều cửa hàng còn thuê cả bảo vệ yêu cầu người đi đường tránh ra chỗ khác cho họ buôn bán khi người đi đường vô tình đứng lâu trên vỉa hè trước cửa hàng của họ. Nhiều chủ nhà còn cho “thuê lại” phần vỉa hè trước nhà của mình để bán hàng rong. Những gánh hàng rong đặt trước vỉa hè nhà họ phải trả tiền từ 1- 4 triệu/ tháng.
Không đơn giản là “giải tỏa trắng”
Sau những “thành công” bước đầu của quận 1 trong việc lập lại trật tự vỉa hè, Thành phố đang chuẩn bị triển khai nhân rộng mô hình cho toàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, cách làm như quận 1 hiện nay tuy hiệu quả nhanh, trật tự vỉa hè được thiết lập lại một cách quy cũ, nhưng việc giải tỏa vỉa hè cần phải thực hiện đúng trình tự xử lý vi phạm hành chính và cũng cần tính đến việc quy hoạch, sử dụng vỉa hè một cách hiệu quả thay vì “giải tỏa trắng” một cách cực đoan như hiện nay.
Từ việc thả nổi để cho vỉa hè nhếch nhác đến việc "giải tỏa trắng", cái gì trên vỉa hè cũng đập bỏ mà không xem xét lại lịch sử vấn đề đều là trượt về hai thái cực khác nhau và đều mang tính cực đoan. Vì rằng không gian đi bộ và mỹ quan đô thị là cần thiết trong một đô thị hiện đại, tuy nhiên vỉa hè còn là nguồn sống, là sinh khí của đô thị.
Thực tế, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đều có phương án khai thác vỉa hè một cách hiệu quả. Các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc cho rằng, dành không gian cho người đi bộ trên vỉa hè chỉ là một phần công năng của vỉa hè. Vì đây còn là một không gian giao lưu cộng đồng, là điểm nhấn của một đô thị. Như lời của KTS Nguyễn Văn Tất: “Paris là kinh đô của ánh sáng mà cho tới giờ người ta vẫn giữ những sạp báo lề đường, những ki-ốt bán sách cũ dọc sông Seine... Đó là những hình ảnh mộc mạc vô cùng nổi tiếng trên bản đồ thế giới”.
Thành phố nên dành một phần vỉa hè ở những nơi có vỉa hè rộng, cho người dân làm chỗ đậu xe. |
Sau nhiều năm thực hiện các biện pháp lập lại trật tự vỉa hè bằng các đợt ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, giữ xe… đến năm 2010, với quyết tâm lập lại trật tự đô thị, thành phố đã xây dựng chương trình “tuyến đường mẫu” và là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh nhìn nhận hoạt động buôn bán trên vỉa hè là một cách mưu sinh quan trọng của một bộ phận người dân và chấp nhận dành một phần vỉa hè cho hoạt động kinh doanh. Phần này được phân định rõ với phần vỉa hè dành cho người đi bộ bằng một vạch sơn. Người kinh doanh chỉ được bày bán hàng hoặc để xe trong phần vỉa hè đã được quy định.
Chủ trương này được nhiều chuyên gia về quản lý đô thị đánh giá cao và người dân đồng tình. Tuy nhiên do cách làm thiếu cương quyết và thiếu công bằng trong việc quản lý trật tự vỉa hè cũng như trong xử lý vi phạm của các địa phương khác nhau đã khiến vỉa hè tiếp tục trở nên lộn xộn, nhếch nhác. Các tuyến đường kiểu mẫu không thực sự trở thành hình mẫu đẹp của Thành phố, mặc dù chủ trương xây dựng các tuyến đường mẫu cũng như mô hình các tuyến đường mẫu này là hết sức tiến bộ.
Chỉ cần nhìn lại việc tháo dỡ và lắp lại ngay những vọng gác ở khu vực Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh phía Nam cũng có thể thấy cách giải tỏa ồ ạt như quận 1 đang làm vẫn còn tồn tại nhiều điều bất ổn. Việc giải tỏa vỉa hè hoàn toàn không phải là việc “nước sôi lửa bỏng”, nên không cần phải làm ồ ạt với những yêu cầu miệng “trong vòng 5 phút nếu không đưa được giấy tờ chứng minh hợp pháp chúng tôi sẽ tháo dỡ”. Vì rằng cho dù là xử lý vi phạm việc lấn chiếm, xây dựng trái pháp luật thì cũng cần phải xử lý theo trình tự pháp luật và đúng pháp luật.
Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh: Thành phố đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát ở nhiều tuyến đường để vừa theo dõi tình hình giao thông vừa phát hiện sớm các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Hình ảnh lấn chiếm vỉa hè được lưu lại và là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý người vi phạm. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để quản lý trật tự vỉa hè. Những hành vi lấn chiếm ra ngoài phần vỉa hè được quy định đều phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, để khai thác, tận dụng không gian vỉa hè, thành phố nên tiếp tục triển khai quy định dành một phần vỉa hè ở những nơi có vỉa hè rộng, cho người dân làm chỗ đậu xe. Ở những nơi vỉa hè nhỏ, hẹp, địa phương nên tạo điều kiện cho người dân xây thêm một tầng hoặc một gác lửng để làm nơi kinh doanh. Tầng trệt, dùng làm nơi giữ xe. Đối với người nghèo, chưa có chỗ kinh doanh, thành phố nên sắp xếp chỗ và thông báo công khai cho họ biết. Những nơi này không nên thu thuế hoặc nếu thu thì chỉ thu một khoản phí nhỏ để làm công tác giữ gìn trật tự vệ sinh. Một hệ thống các giải pháp có tình, có lý cộng với quyết tâm cao của thành phố, thì việc giữ cho vỉa hè thông thoáng mới có khả năng thành hiện thực. |