Đường cát nhập lậu ngày càng gia tăng và biến hóa tinh vi. |
Biến tướng tinh vi
Biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang đến thời điểm hiện tại vẫn là điểm nóng về tình trạng buôn lậu đường trên biên giới Tây Nam. Những kho đường lậu bên kia biên giới vẫn được các đối tượng tìm cách lén lút đưa hàng qua sông Bình Di để tuồn vào nội địa.
Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 tỉnh An Giang), sau khi lực lượng Công an tổ chức triệt phá các đường dây buôn lậu có quy mô lớn như Tỷ đường, các đối tượng buôn lậu có co cụm nghe ngóng. Nhưng sau đó lại tiếp tục gia tăng hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là từ đầu tháng 8 đến nay.
Ngoài các phương thức lén lút, canh đường, sử dụng hóa đơn chứng từ hợp thức hóa đường lậu, các đối tượng đã kết hợp chế biến đường cát thành đường phèn, hóa lỏng đường để vận chuyển nhằm gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu.
Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn đường lậu của Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) với việc bắt giữ hàng trăm tấn đường cát, đường phèn và dung dịch chờ kết tinh đường phèn. Ngày 10/8 khi lực lượng Công an đã ập vào tại một kho hàng ở tổ 8, ấp Thạnh Phú, xã Khánh An huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang bắt quả tang vụ vận chuyển đường lậu, tạm giữ các đối tượng liên quan cùng 585 bao (50kg/bao) đường cát không nhãn mác.
Khai thác nhanh các đối tượng này, lực lượng công an tiếp tục truy bắt thêm 3 xe tải đang vận chuyển 600 bao đường vừa xuất kho để đem đi tiêu thụ. Qua đấu tranh nhanh, các đối tượng khai nhận toàn bộ số đường trên là đường cát Thái Lan được sang ra các bao không nhãn mác từ Campuchia, sau đó được vận chuyển về Việt Nam theo ngả sông biên giới.
Cũng ngay trong đêm hôm đó, tổ công tác kiểm tra 2 kho đường khác tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tiếp tục thu giữ thêm 555 bao đường không rõ nguồn gốc. Tổng cộng gần 30 tấn đường có dấu hiệu nhập lậu đã bị thu giữ để xác minh làm rõ.
Sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với các đối tượng Nguyễn Văn Lùng, 31 tuổi, cư trú tại huyện An Phú, tỉnh An Giang; Son Vik Sal, 25 tuổi và Sarol Phiên, 23 tuổi cùng cư trú tại tỉnh Kandal, vương quốc Campuchia để tiếp tục điều tra về hành vi "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới". Thế nhưng, bà trùm đường dây này vẫn còn "ẩn mặt".
Trong tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt giữ khoảng 150 tấn đường lậu, tăng 2,6 lần so với tháng 7 và tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn bắt giữ 17.200 kg đường phèn, 84.000 kg dung dịch đường phèn chờ kết tinh.
Cục Hải quan Long An đã phối hợp với Đội 2, Chi cục Quản lí thị trường tỉnh Long An bắt giữ hai xe tải vận chuyển 8 tấn đường lậu. |
Đủ chiêu vùng giáp ranh
Còn tại biên giới Long An, trong 8 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 600 tấn đường lậu qua biên giới. Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép đường lậu qua biên giới Long An lúc tăng, lúc giảm nhưng tiếp tục phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Việc vận chuyển không chỉ nhỏ lẻ mà có rất nhiều vụ vận chuyển bằng xe tải để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Chiều ngày 22/8, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Long An đã phối hợp với Đội 2, Chi cục Quản lí thị trường tỉnh Long An bắt giữ hai xe tải vận chuyển 8 tấn đường lậu. Số đường trên được các đối tượng chở từ biên giới Campuchia từ biên giới Vĩnh Hưng qua đường kênh 79 thuộc địa bàn huyện Tân Hưng ra quốc lộ 62 về TP.HCM để tiêu thụ.
Trước đó, cũng trên tuyến quốc lộ 62, thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Long An, bắt giữ xe tải biển kiểm soát 63K – 1572 do Đoàn Quốc Tâm, sinh năm 1986, ngụ tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng điều khiển có hành vi vận chuyển 290 bao đường cát (loại 50 kg/bao) do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trước đây, các đối tượng buôn lậu tại biên giới Long An thường chọn mặt hàng thuốc lá, rượu ngoại và một vài mặt hàng điện máy khác. Nhưng khoảng gần 2 năm trở lại đây, đường cát Thái được nhập lậu ồ ạt qua tuyến này do lợi nhuận cao, dự báo những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh do nhu cầu sử dụng đường sản xuất bánh kẹo tăng cao.
Thường các đầu nậu rất ít khi xuất đầu lộ diện, kể cả khi đường lậu bị bắt giữ. Các tài xế là người nhận trách nhiệm theo “phân công” của các chủ đầu nậu vì khi các tài xế vận chuyển đường lậu trót lọt, họ sẽ được trả công khoảng 100.000 đồng/ tấn.
Gần đây, trong vụ bắt giữ 30 tấn đường lậu do Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM phối hợp lực lượng Công an TP.HCM bắt giữ khi các đối tượng đang sang hàng tại một công ty tại quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM.
Các đối tượng đã khai nhận số đường cát nhập lậu này được đóng bao 50kg, do Thái Lan sản xuất, giá bán 530.000 đồng/bao. Trong khi cũng loại đường cát tinh luyện tương tự của Việt Nam giá bán khoảng 700.000 đồng/bao. Một sự chênh lệch không hề nhỏ đã khiến buôn lậu đường tiếp tục tăng mạnh khi nhu cầu đường đang ngày tăng cao.
Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết: “Việc chênh lệch giá giữa đường lậu và đường nội địa vẫn xảy ra thì đường lậu vẫn còn đất sống. Công tác chống buôn lậu thời gian qua cho thấy nếu địa phương nào tăng cường công tác chống buôn lậu, tổ chức triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm thì đầu nậu đường "co vòi", lượng đường lậu qua biên giới giảm hẳn. Dịp cuối năm, mong lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, nhất là có chuyên án, đánh trúng ổ nhóm, đường dây để hạn chế đến mức thấp nhất đường lậu qua biên giới ”.