Dự lễ kỷ niệm có bà Chea Kimtha - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam cùng hơn 200 đồng chí là cựu chiến binh, cựu quân tình nguyện cựu chuyên gia Việt Nam đã từng chiến đấu, công tác tại Campuchia.
Diễn văn tại lễ kỷ niệm, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1975, nhân dân Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình, lại rơi vào bi kịch lớn của dân tộc. Tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sari đã gây nên "thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người", giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền…
Gặp mặt kỷ niệm 45 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
Đối với Việt Nam, chúng đã xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gây ra nhiều tội ác đẫm máu đối với nhân dân ta, bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao vì hòa bình của Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với tinh thần quốc tế cao cả "Giúp bạn là tự giúp mình", Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công chiến lược trên toàn tuyến biên giới, đánh đuổi quân Khmer đỏ ra khỏi bờ cõi, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi địa ngục trần gian - chế độ diệt chủng tàn bạo. Ngày 07/01/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng.
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hà Nội nói: "Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, một lần nữa khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, chí nghĩa, chí tình của nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 45 năm đã trôi qua nhưng công lao và sự hy sinh to lớn của lực lượng quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam mãi mãi được lịch sử hai dân tộc Việt Nam - Campuchia khắc ghi, được nhân loại tiến bộ ghi nhận."
Phát biểu tại buổi lễ, bà Chea Kimtha - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam nêu rõ, buổi lễ hôm nay là sự kiện có ý nghĩa lịch sử gợi nhắc lại cho chúng ta ghi nhớ về thời kỳ đấu tranh và những tấm gương anh hùng dũng cảm của những người lính tình nguyện Việt Nam anh em, chiến đấu trước sự xâm chiếm của thù địch và đã giành được thắng lợi trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và sự phối hợp với quân đội cứu quốc Campuchia trong sự nghiệp giải phóng nhân dân Campuchia giành chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot Eang Sary tàn độc.
Ngày 07 tháng giêng năm 1979 đã mang lại quyền tự do hoàn toàn cho nhân dân Campuchia và mang lại giá trị cả về tinh thần và vật chất cho nhân dân Khmer được sống trở lại. Khẳng đỉnh, buổi lễ hôm nay chính là hình ảnh thực tế thể hiện sự vun đắp tiếp tục củng cố và phát triển truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt giữa nhân dân với nhân dân của hai đất nước Campuchia - Việt Nam ngày càng mở rộng, vững mạnh.
Bà Chea Kimtha - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam phát biểu tại kỷ niệm
Bà Chea Kimtha - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam nhấn mạnh: "Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Campuchia, tôi xin một lần nữa bày tỏ sự biết ơn chân thành và sâu sắc cũng như luôn ghi nhớ về công lao to lớn và không thể nào quên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn hy sinh mọi mặt để giải phóng, cứu quốc và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo và góp phần trong tiến trình tìm lại nền hòa bình cho nhân dân Campuchia chúng tôi. Thật vậy, sự ủng hộ giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển đi lên từ một quốc gia với nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc và bị phá hủy trở thành quốc gia có nền hòa bình hoàn toàn và phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước."
Thay mặt các lưu học sinh đang học tập tại Việt Nam em Chhon Sreyni - Đoàn trưởng Đoàn Lưu học sinh Campuchia tại Trường Hữu nghị 80 bày tỏ, là thế hệ trẻ của Campuchia, được sinh ra trong hòa bình nhưng qua từng trang sử giúp các em hiểu rằng tại sao Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia được xây dựng trên nhiều tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia. Bởi đó là sự tri ân của Nhà nước, nhân dân và quân đội nhân dân hai nước đối với những anh hùng, liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ quân đội Hoàng gia Campuchia đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc, vì sự phát triển phồn vinh của nhân dân hai nước, là những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc; là biểu tượng sinh động về tình cảm, tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm của quân và dân hai nước Việt Nam - Campuchia:
Chhon Sreyni cho rằng: "Là thanh niên, thế hệ trẻ của đất nước Campuchia hôm nay, chúng em sẽ cố gắng, nỗ lực học tập để sau này góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Campuchia, là cầu nối vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước. Chúng em cũng nhận thức sâu sắc rằng: Việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống quý báu, tinh thần đoàn kết giữa hai nước là trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng em. Chúng em sẽ làm tất cả để "Hà Nội - Phnompenh đẹp thắm ngàn hoa. Hồng Hà - Mê Kông chở nặng phù sa, chở nặng nghĩa tình Việt Nam - Campuchia". Để Việt Nam - Campuchia luôn sát vai nhau. Việt Nam - Campuchia luôn tay cầm tay sa ma khi, sa ma khi".