Nhiều tiềm năng
Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160km, trong đó 40km qua nội đô, sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo, không gian kết nối đô thị trung tâm Hà Nội. Dọc tuyến sông Hồng còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa để khách dừng chân tham quan như: Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), đền Ghềnh (quận Long Biên) nằm ven sông thờ công chúa Lê Ngọc Hân cũng là một di tích thu hút đông đảo khách thập phương. Xa hơn chút nữa, đền Dầm (huyện Thường Tín) là một danh tích lâu đời thờ Mẫu Thoải trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Khách tham gia tour du lịch sông Hồng do Công ty CP Thăng Long GTC tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Cũng trên khúc sông chảy qua Hà Nội, du khách còn được chiêm ngưỡng cầu Long Biên có lịch sử hơn 100 năm, cầu Thăng Long - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, cầu Nhật Tân biểu tượng cho sức vươn của TP Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Nằm kề sông Hồng, làng gốm cổ truyền Bát Tràng nơi lưu giữ nghề truyền thống là một điểm du lịch thu hút du khách gần xa. Đến Bát Tràng bằng đường sông, khách sẽ có một trải nghiệm mới, khi được cập vào bến nước cổ, luồn lách qua những ngõ hẹp của làng gốm trước khi đến với phiên chợ sầm uất, vừa mua đồ gốm vừa có thể thử làm thợ gốm là trải nghiệm thú vị khi du ngoạn sông Hồng.
Đánh giá về tiềm năng du lịch trên sông Hồng, Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletravel Dương Thanh Hằng cho rằng, đi du lịch sông Hồng, thú vị nhất là được ngắm cảnh, tham quan đình, chùa dọc hai bên bờ. Đồng thời, được khám phá, trải nghiệm mới khác hẳn với tour đường bộ.
Dưới góc độ nhà quản lý, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, đây là một trong những tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam. Nếu khai thác tốt, thì du lịch đường thủy sẽ mang đến trải nghiệm mới cũng như hấp dẫn được đối tượng khách quốc tế vì yếu tố độc, lạ và mang bản sắc văn hóa địa phương.
Theo các chuyên gia du lịch, sông Hồng là địa danh có nhiều ý nghĩa với người dân Hà Nội và cả nước, vì vậy phát triển tour du thuyền cao cấp trên sông Hồng sẽ mang lại những chuyển biến lớn cho ngành du lịch Thủ đô. “Vườn hoa bãi đá sông Hồng (quận Tây Hồ) đang trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách khắp nơi đến vui chơi, chụp ảnh, ngắm hoàng hôn sông Hồng”- Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu ví dụ.
Cần sự đầu tư đồng bộ
Mặc dù rất giàu tiềm năng, nhưng hiện việc khai thác tour sông Hồng mới dừng ở mức nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp lữ hành phản ánh, tuyến du lịch này chủ yếu phục vụ khách đi theo đoàn, kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, hầu như không có khách lẻ. Bên cạnh đó, dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nhưng chưa được đầu tư khai thác tạo ra những sản phẩm du lịch, nên khó thu hút khách quay lại lần thứ hai.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, vừa thiếu, vừa yếu. Hiện, sông Hồng chỉ có bến cảng du lịch Bát Tràng được đầu tư bài bản, giúp lên, xuống tàu được thuận tiện. Còn lại các điểm đến khác vẫn còn bị bỏ ngỏ, khiến khách du lịch đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Giám đốc Công ty cổ phần Thăng Long GTC Tạ Minh Hùng (doanh nghiệp đang vận hành khai thác tour sông Hồng) cho biết, mặc dù từ 20 năm nay đã đưa vào khai thác 4 sản phẩm du lịch trên sông Hồng, nhưng chưa thể tạo thành sản phẩm thực sự đặc sắc, mang dấu ấn đặc trưng của du lịch Hà Nội. Nguyên nhân là do hạ tầng hai bên sông Hồng chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách về cảnh quan, vệ sinh. Hiện tại, Hà Nội chưa có cầu tàu phục vụ riêng cho khách du lịch, khách tham quan phải lên tàu từ cầu cảng tạm tại bến Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm).
Một vấn đề khác đặt ra là lâu nay, TP Hà Nội chưa đầu tư cải tạo cảnh quan 2 bên sông. Rất nhiều đoạn sông, ngay cả đoạn chảy qua khu vực nội thành có cảnh quan nhem nhuốc, các ngôi nhà xây dựng tạm bợ. Một số đoạn sông là nơi tập kết rác thải, phế thải xây dựng, khai thác cát..., đã tạo nên những ấn tượng xấu với khách tham quan.
“Cái khó lớn nhất của những nhà khai thác du lịch sông Hồng là thiếu lượng tàu, thuyền đạt chuẩn quốc tế và tới nay vẫn chưa có cầu cảng” - ông Hùng nêu rõ.
Để khai thác du lịch sông Hồng hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, khi đưa vào khai thác tour du lịch đường sông, địa phương cần nâng cấp chất lượng dịch vụ, bảo đảm bến bãi an toàn, chỉnh trang cảnh quan ven sông, quy hoạch bến đỗ, thường xuyên nâng cấp tàu để bảo đảm an toàn và tiện nghi cho du khách, đưa thêm nhiều hoạt động trải nghiệm dọc ven sông…
Đồng tình với góp ý này, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên nêu rõ, để du lịch đường sông nói chung, sông Hồng nói riêng phát triển cơ quan quản lý cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cơ sở vật chất cho sản phẩm du lịch đường sông. Cụ thể, xây dựng và cấp phép hoạt động bến tàu du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình…
Có thể thấy, tour du lịch sông Hồng có rất nhiều tiềm năng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn của Hà Nội. Tuy nhiên, để sản phẩm này thực sự khởi sắc, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thôi cần có sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.